Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện của tiểu đoàn tăng tham gia giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh

09:04, 23/04/2021

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm gặp trung tá, cựu chiến binh (CCB) Trần Cao Khuê, hiện ngụ tại xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tăng thiết giáp (TTG) 21 miền Đông Nam bộ - chỉ huy đơn vị tăng được điều về phối hợp giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh trong 12 ngày đêm lịch sử cách nay 46 năm.

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm gặp trung tá, cựu chiến binh (CCB) Trần Cao Khuê, hiện ngụ tại xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tăng thiết giáp (TTG) 21 miền Đông Nam bộ - chỉ huy đơn vị tăng được điều về phối hợp giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh trong 12 ngày đêm lịch sử cách nay 46 năm.

Cựu chiến binh Trần Cao Khuê (giữa) giới thiệu chiếc xe tăng 714 tham gia chiến dịch giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975. Ảnh: Văn Tuấn
Cựu chiến binh Trần Cao Khuê (giữa) giới thiệu chiếc xe tăng 714 tham gia chiến dịch giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975. Ảnh: Văn Tuấn

* Kỷ niệm khó quên

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm trong 12 ngày đêm giải phóng Xuân Lộc - được mệnh danh “cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông” của chính quyền Sài Gòn, ông Khuê vẫn nhớ rất rõ. Ký ức của người CCB về sự kiện này cách nay 46 năm như vừa mới diễn ra.

CCB Trần Cao Khuê kể lại, sau chiến thắng của quân ta giúp nước bạn Lào trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971; chiến thắng tại Bù Bông, Kiến Đức và giải phóng tỉnh Phước Long đầu năm 1975, Tiểu đoàn TTG 21 miền Đông Nam bộ thuộc Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) được điều về phối hợp trong chiến dịch giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh từ ngày 9 đến 21-4-1975.

Khi vào giải phóng, mở cánh cửa thép Xuân Lộc - Long Khánh có rất nhiều đơn vị, nhưng bộ đội TTG chỉ có Tiểu đoàn 21 miền Đông Nam bộ với 2 đại đội 1 và 3. Nhiều xe tăng của ta mới chỉ vào đến đồi Hoàng Diệu (khu vực bia ghi công 36 liệt sĩ thuộc P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh ngày nay) đã bị địch bắn đứt xích không thể tiếp tục chạy. Riêng 2 chiếc xe tăng T54 và số hiệu 714 (hiện đang trưng bày trên tượng đài) vượt qua đồi Hoàng Diệu, trực tiếp phối hợp với nhiều đơn vị vào giải phóng Xuân Lộc
(TP.Long Khánh ngày nay).

Đôi mắt CCB 85 tuổi như chùng xuống khi nhớ về trận chiến đấu ác liệt nhất diễn ra vào trưa 15-4-1975 giữa quân ta và Sư đoàn 18 ngụy. Ông Khuê bùi ngùi: “Sự giằng co ác liệt, khiến nhiều chiến sĩ của ta hy sinh khi vừa đến đồi Hoàng Diệu. Trong đó, tôi không bao giờ quên được trưởng xe Đinh Văn Quá (quê tỉnh Thanh Hóa) - một lái xe tăng giỏi giành nhiều thành tích trong các trận giải phóng Phước Long, giúp nước bạn Lào giải phóng… đã hy sinh chỉ cách vài giờ trước khi Xuân Lộc - Long Khánh được giải phóng ngày 21-4. Nhiều chiến sĩ của ta (cả bộ đội chủ lực và địa phương) hy sinh ngay chốt đồi Hoàng Diệu hiện chưa tìm được hài cốt”…

Ông Khuê kể, sau ngày giải phóng, ông và đồng đội đã đề xuất ý kiến với cấp trên được nhận chiếc xe tăng 714 làm kỷ niệm trưng bày tại tượng đài chiến thắng Long Khánh ngày nay. Chiếc xe tăng này vừa tham gia giải phóng Long Khánh vừa là biểu tượng chiến thắng ghi dấu ấn của những ngày khói lửa mà Tiểu đoàn TTG 21 miền Đông Nam bộ đã vinh dự được tham gia trong Chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử…

* Tham gia giáo dục thế hệ trẻ

Trở về với cuộc sống đời thường, CCB Trần Cao Khuê luôn tự hào vì ông đã cùng những người lính có mặt trên khắp chiến trường Đông Dương, được tham gia vào nhiều trận đánh lịch sử, trong đó có chiến thắng giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975. Được chứng kiến ngày đất nước hoàn toàn độc lập, được sống trong hòa bình, ông càng nhớ về những đồng đội đã hy sinh, không kịp chứng kiến giờ phút thống nhất đất nước nên dù tuổi cao, ông vẫn cùng CCB tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; giới thiệu về tượng đài xe tăng, về ký ức 12 ngày đêm giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh.

Đồng thời, ông còn tham gia các hoạt động kể chuyện truyền thống cho thanh niên trước khi nhập ngũ; nói chuyện với giáo viên, học sinh các nhà trường khi có nhu cầu. Những CCB tham gia giải phóng Long Khánh - Xuân Lộc ở nhiều đơn vị ngày ấy như CCB Nguyễn Xuân Đào, Tiểu đoàn 440, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4 trước đây, Quân khu 4 ngày nay) hay CCB Trần Văn Bang, cùng Tiểu đoàn TTG 21 thường ngồi lại mỗi dịp kỷ niệm, cùng nhắc nhớ về những đồng đội đã hy sinh, cùng tìm thông tin về đồng đội…

Ông Khuê bộc bạch: “Tôi chỉ mong thế hệ trẻ hãy khắc ghi truyền thống để kế thừa trong xây dựng đất nước, xây dựng quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà cha ông đã phải đổ xương máu cho độc lập hoàn toàn”.

Nam Anh

Tin xem nhiều