Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh

10:06, 09/06/2021

Thời gian qua, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) được tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng mọi mặt, qua đó góp phần nâng nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) từ xa, từ sớm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) được tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng mọi mặt, qua đó góp phần nâng nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) từ xa, từ sớm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự TP.Long Khánh Hồ Văn Nam tặng hoa cho thanh niên tiêu biểu nhập ngũ năm 2021. Ảnh: N.Sơn
Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự TP.Long Khánh Hồ Văn Nam tặng hoa cho thanh niên tiêu biểu nhập ngũ năm 2021. Ảnh: N.Hà

Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh vừa tổ chức hội nghị các thành viên và đã thu được nhiều ý kiến đóng góp các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này trong giai đoạn mới và sẵn sàng các điều kiện để xây dựng quân đội hiện đại sau năm 2030.

* Nâng cao nhận thức...

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh Thái Bảo cho rằng, để thực hiện được nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 về BVTQ trong giai đoạn mới, việc giáo dục và bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian và phải phối hợp chặt chẽ. “Có làm tốt nhiệm vụ này mới nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ BVTQ, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng hiện đại... sẵn sàng các điều kiện xây dựng quân đội hiện đại sau năm 2030” - đồng chí Thái Bảo nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh - cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 theo Thông tư 172/2020 của Bộ Quốc phòng cho 20 đồng chí. Đối tượng 3 không tổ chức bồi dưỡng vì đã hoàn thành từ năm 2019 cho cả giai đoạn 2015-2020; 13 lớp cho 1.962 đồng chí thuộc đối tượng 4. Nhiều lượt công nhân lao động, một số chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn cũng đã được bồi dưỡng kiến thức về QP-AN. Bên cạnh đó, Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh còn lồng ghép với huấn luyện, giáo dục chính trị cho hơn 37,8 ngàn đồng chí ở 369 lớp...

Giai đoạn 2015-2020, hội đồng giáo dục QP-AN các cấp triển khai đồng bộ công tác này và đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho phóng viên báo, đài, chức sắc, chức việc các tôn giáo và trên 556 ngàn lượt học sinh, sinh viên. Tuyên truyền kiến thức QP-AN cho hàng trăm ngàn lượt công nhân lao động trên địa bàn, góp phần làm chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội đồng các cấp đã khảo sát xây dựng kế hoạch và trình chủ tịch UBND các cấp việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3, 4 theo phân cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, bắt đầu từ quý III-2021, sẽ tiến hành mở lớp theo kế hoạch (3 lớp đối tượng 3 năm 2021) dự kiến khoảng 621 đồng chí.

Theo đại tá Ngô Quang Thuấn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đều bảo đảm theo kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về QP-AN, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, các kiến thức về quân sự quốc phòng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của hội đồng giáo dục QP-AN cấp huyện, xã vẫn còn một số nơi chưa phát huy hết trách nhiệm nên đã ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng, giáo dục QP-AN. Mặt khác, việc nhân rộng các điển hình hay, cách làm mới về nhiệm vụ này chưa được chú trọng. Hệ thống sổ sách, theo dõi, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng ở các sở, ban, ngành; địa phương cấp huyện, xã chưa đầy đủ. Công tác phối hợp, thống kê các đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN còn chậm, còn thiếu...

* Tập trung tháo gỡ khó khăn

Theo đại tá Ngô Quang Thuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, khó khăn là thực hiện quy định của Bộ Quốc phòng, các trường quân sự tỉnh đã giải thể trong năm 2020. Trường Quân sự tỉnh Đồng Nai thực hiện các thủ tục giải thể trong tháng 5-2020 theo quy định. Vì vậy, các hoạt động giáo dục QP-AN, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3 phải tập trung về Trường Quân sự Quân khu 7 và những nơi theo quy định.

Cùng với đó, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương của các cơ quan về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục QP-AN chưa thực sự sâu sát, thường giao khoán cho cơ quan thường trực hoặc cán bộ phụ trách công tác giáo dục QP-AN. Cơ quan thường trực hội đồng giáo dục QP-AN một số địa phương, cơ quan còn thiếu chủ động; cán bộ phụ trách công tác này thiếu ổn định, việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác giáo dục QP-AN chưa kịp thời nên năng lực tham mưu còn hạn chế...

Đại tá Ngô Quang Thuấn cho biết thêm, trên địa bàn Quân khu 7 hiện chỉ có các điểm sau đủ điều kiện làm nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho đối tượng 3 là: Trường Quân sự Quân khu 7; Trung tâm Giáo dục QP-AN thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM và Trung tâm Giáo dục QP-AN thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ở các tỉnh còn lại, do phải giải thể trường quân sự tỉnh theo quy định nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ này cho đối tượng 3.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục QP-AN trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN, đang lấy ý kiến các thành viên để ban hành chính thức. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN cho toàn dân nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc; củng cố, tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào thực tiễn...

Vì vậy, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Hội đồng Giáo dục QP-AN quốc gia khảo sát địa điểm tại Trường đại học Đồng Nai để tìm vị trí làm nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục kiến thức QP-AN cho đối tượng 3. Qua khảo sát cho thấy, vị trí này chưa đủ điều kiện về nơi ăn, nghỉ, về thao trường luyện tập theo quy định của Luật Giáo dục QP-AN nên chưa thể thực hiện.

Một nội dung trong công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức QP-AN của tỉnh thời gian qua được Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng đánh giá cao là thực hiện nhiệm vụ này cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Theo Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ, tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 50% chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên địa bàn (5 ngàn/10 ngàn người).

“Dù số lượng chưa nhiều nhưng khảo sát thực tế cho thấy, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành sau khi được bồi dưỡng kiến thức QP-AN đã có nhận thức rất tốt, hiểu biết kỹ về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, nhất là trong nhiệm vụ tuyển quân hằng năm và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây” - ông Vũ nhận xét.

Đặc biệt, các chức sắc, chức việc đã động viên đồng bào có đạo, nhất là thanh niên luôn tình nguyện, thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự hằng năm; đi bầu cử đúng, đủ. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành được UBND tỉnh, Quân khu 7 tuyên dương, khen thưởng vì có đóng góp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2015-2020.

Cũng theo ông Vũ, trong nhiệm kỳ 2020-2025, các thành viên Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, triển khai và lượng hóa cụ thể việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành để hoàn thành mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành để họ tuyên truyền trong toàn thể đồng bào có đạo (phù hợp đặc thù của tỉnh có đông đồng bào có đạo), huy động sức mạnh toàn dân vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.     

  Nguyệt Hà

Tin xem nhiều