Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy tốt, học tốt, thi đua giúp dân

08:08, 26/08/2021

Cách đây 60 năm, ngày 27-8-1961, Trường Quân chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam được thành lập - tiền thân của Trường Sĩ quan lục quân 2 (SQLQ2), Trường đại học Nguyễn Huệ ngày nay.

Cách đây 60 năm, ngày 27-8-1961, Trường Quân chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam được thành lập - tiền thân của Trường Sĩ quan lục quân 2 (SQLQ2), Trường đại học Nguyễn Huệ ngày nay.

Lãnh đạo nhà trường động viên cán bộ, giảng viên, học viên hiến máu cứu người trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyệt Hà
Lãnh đạo nhà trường động viên cán bộ, giảng viên, học viên hiến máu cứu người trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyệt Hà

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ nhà trường luôn tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó.

* Tự hào truyền thống

Theo thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường SQLQ2, vào tháng 6-1961, Ban Quân sự Miền đã quyết định thành lập C850 để huấn luyện tân binh cho C50. Đến tháng 8-1961, C50 và C850 đã đào tạo được 2 khóa tiểu đội trưởng, huấn luyện được 3 đợt tân binh bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ cho sự phát triển nhanh chóng của các đơn vị quân giải phóng miền Nam, đồng thời tiếp tục thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng 5 năm (1961-1965), thực hiện chủ trương của Ban Quân sự Miền về xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân đủ mạnh để chiến đấu, ngày 27-8-1961, Ban Quân sự miền quyết định hợp nhất C50 và C850 thành Trường Quân chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (lấy phiên hiệu là C86), tiền thân của Trường SQLQ2, Đại học Nguyễn Huệ ngày nay, đóng quân tại xã Hòa Hiệp, H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và qua nhiều lần thay đổi địa điểm, đến tháng 12-1975 về đóng quân tại xã Tam Phước, H.Long Thành (nay là P.Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Trung tá Phạm Tiến Thọ, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa khẳng định, sự dũng cảm, xông pha vào tâm dịch của cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là những học viên của Trường đại học Nguyễn Huệ có mặt hỗ trợ TP.Biên Hòa trong những ngày chống dịch bệnh Covid-19 đã phản ánh quá trình đào tạo, rèn luyện nghiêm túc nên học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, trong khó khăn thời chiến (trường được thành lập giữa lòng chiến trường miền Nam), nhà trường luôn xác định phương châm “học là chiến đấu”, “kết quả học tập, rèn luyện là chiến công”. Cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường đã đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nội dung và phương pháp huấn luyện bám sát thực tế chiến trường, triển khai các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, “hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện như nhiệm vụ chiến đấu”, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống… đào tạo 19 khóa học với hơn 10 ngàn học viên ra trường, đáp ứng cho các đơn vị của chiến trường miền Nam.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo, nhà trường còn trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu trên chiến trường Đông Nam bộ. Tiêu biểu như các trận đánh bại cuộc hành quân Sao Mai của địch vào vùng giải phóng Tây Ninh ngày 16 và 17-10-1962; đánh bại trận càn do quân đội Mỹ đổ bộ vào xóm Rẫy, xã Hòa Hiệp, H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và nhiều thắng lợi oanh liệt…, đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà trường bắt tay thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo theo yêu cầu mới. Vừa giảng dạy, vừa tham gia trên chiến trường biên giới Tây Nam và thực hiện các nhiệm vụ do Quân khu 7, tỉnh Đồng Nai giao, tham gia giúp nước bạn Campuchia thành lập Trường Lục quân tổng hợp, đào tạo nhiều cán bộ phục vụ cách mạng…

* Thi đua dạy tốt, học tốt, công tác tốt

Trung tướng Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ tháng 9-1998, Trường SQLQ2 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định và giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học quân sự gồm các chuyên ngành: binh chủng hợp thành, trinh sát bộ binh, trinh sát đặc nhiệm. Đồng thời, nhà trường thực hiện đào tạo các đối tượng: hoàn thiện sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, hoàn thiện đại học phân đội theo yêu cầu. Ngoài ra, nhà trường còn được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị cho học viên người dân tộc thiểu số và đối tượng cử tuyển khu vực phía Nam.

Học viên Trường đại học Nguyễn Huệ (Sĩ quan lục quân 2) hăng hái vào tâm dịch giúp nhân dân TP.Biên Hòa chống dịch. Ảnh: Nguyệt Hà
Học viên Trường đại học Nguyễn Huệ (Sĩ quan lục quân 2) hăng hái vào tâm dịch giúp nhân dân TP.Biên Hòa chống dịch. Ảnh: Nguyệt Hà

Trung tướng Nguyễn Ngọc Cả nhấn mạnh, để đáp ứng nhiệm vụ được giao và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt, công tác tốt, xây dựng đại đội 3 nhất, bộ môn 3 tốt, ban 3 tốt và cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, giai đoạn 1998-2020, nhà trường đã đào tạo 12 khóa học, với trên 13,8 ngàn học viên ra trường. Trong đó, có trên 88% học viên tốt nghiệp đạt loại từ trung bình khá trở lên, đại đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định tốt nhiệm vụ được giao…

Ngày 28-10-2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1973/QĐ-TTg về việc thành lập Trường đại học Nguyễn Huệ trên cơ sở nâng cấp Trường SQLQ2. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc và công sức phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ toàn trường. Đồng thời, khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc gia. Ngày
12-8-2011, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 3379/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường đại học Nguyễn Huệ đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật quân sự.

“Có thể khẳng định, kết quả nổi bật nhất trong 10 năm mang tên Trường đại học Nguyễn Huệ là nhà trường đã tích cực đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ, học viên của trường sau đào tạo được các đơn vị trong toàn quân đánh giá cao” - trung tướng Nguyễn Ngọc Cả cho biết.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ nhà trường lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, bảo đảm thực chất, toàn diện, vững chắc; đẩy mạnh công tác khoa học quân sự; xây dựng nhà trường vững mạnh về chính trị, sẵn sàng chiến đấu cao, chấp hành nghiêm kỷ luật, bảo đảm an toàn; bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật, tài chính cho các nhiệm vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; không để xảy ra suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường khẳng định: “Để đưa nghị quyết vào thực tiễn, nhà trường xác định tập trung vào các nhiệm vụ đột phá gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp.

Đồng thời, luôn chủ động sẵn sàng ứng phó và xử lý tốt các tình huống phát sinh; nhất là trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhà trường quán triệt toàn thể cán bộ, chiến sĩ, học viên làm tốt công tác phòng dịch. Nhà trường đã cử 360 cán bộ tham gia giúp dân chống dịch Covid-19 tại TP.Biên Hòa theo phương châm “ở đâu dân khó, ở đó có Bộ đội Cụ Hồ” và tinh thần “giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim người lính”.

Trong 60 năm qua, Trường SQLQ2 đã đào tạo 71 khóa học, trong đó có 67 khóa đã tốt nghiệp với gần 70 ngàn học viên ra trường. Trong số học viên tốt nghiệp, nhiều đồng chí đã trở thành các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có 8 đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương từng là học viên nhà trường.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều