Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy tinh thần quật khởi của Nam bộ kháng chiến

10:09, 22/09/2021

"Độc lập hay là chết!", đó là lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ngày 23-9-1945, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân Nam bộ trước âm mưu quay trở lại đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.

“Độc lập hay là chết!”, đó là lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ngày 23-9-1945, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân Nam bộ trước âm mưu quay trở lại đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.

Người dân Nam bộ đứng lên kháng chiến. Ảnh: TL
Người dân Nam bộ đứng lên kháng chiến. Ảnh: TL

* Miền Nam đi trước về sau

Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ sau trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng vào năm 1960: “Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài lâu đã từng”.

Miền Nam đi trước về sau bởi ngay ngày 2-9-1945, khi hàng triệu người dân Nam bộ đang vui mừng chào đón Ngày Độc lập của dân tộc thì quân Pháp núp bóng quân Anh với danh nghĩa quân đồng minh đã bắn súng vào đoàn biểu tình trong lễ tuần hành mừng độc lập. Những ngày sau đó, dưới sự bảo trợ của quân Anh, quân Pháp ngày càng có nhiều hành vi khiêu khích trắng trợn.

Tinh thần quật khởi của Ngày Nam bộ kháng chiến đã và vẫn là động lực to lớn cổ vũ đồng bào Nam bộ và cả nước. Những bài học mà tinh thần quật khởi, sáng tạo của ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn giá trị sâu sắc cho hôm nay.

Ngày 4-9-1945, tướng Anh Gracey ra lệnh phía chính quyền cách mạng “giải tán lực lượng vũ trang”, ngăn cản quần chúng xuống đường biểu tình. Cả Sài Gòn và Nam bộ sống trong một không khí ngộp thở, khẩn trương khi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến đấu mới. Từ thủ đô Hà Nội phát đi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối phân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa”.

Trước sự gây hấn của quân thù, ngày 9-9-1945, tại Sài Gòn, Tổng bộ Việt Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào chuẩn bị tinh thần và lực lượng để chống trả quân thù “đang sửa soạn súng đạn để một lần nữa giày xéo đất nước ta, tiêu diệt nòi giống ta”.

Nhân dân Nam bộ chỉ được hưởng không khí độc lập đúng 21 ngày. Kể từ ngày 23-9-1945, phải đi hết 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hai miền Nam Bắc Việt Nam mới thống nhất, đồng bào Nam bộ mới kết thúc một hành trình dài đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.

* Quyết không làm nô lệ

Sáng 23-9-1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi đồng bào kháng chiến với lời kết luận cương quyết: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Ngày 24-9-1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ.

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Chỉ bằng mã tấu, gậy tầm vông và tấm lòng quả cảm, những người dân Nam bộ thành đồng đã nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam bộ đã đánh đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân. Nam bộ kháng chiến đi trước cả nước khiến cho thực dân Pháp không thể thực hiện âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh; tạo điều kiện cho cả nước có thời gian xây dựng, củng cố lực lượng.

Cũng chính từ cuộc kháng chiến gian khổ này đã ra đời Trường huấn luyện cán bộ quân sự đầu tiên ở miền Đông, tức Trại du kích Vĩnh Cửu và ra đời cách đánh đặc công nổi tiếng của người Anh hùng đất Đồng Nai Trần Công An…

* Phát huy tinh thần Nam bộ kháng chiến cho hôm nay

Ngày 2-9-1945, Nam bộ tổ chức mít tinh chào mừng ngày độc lập. Hơn 1 triệu đồng bào từ các tỉnh, thành phố đã nô nức tề tựu về Sài Gòn để được chào mừng ngày độc lập và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Những lời tuyên bố lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau đã không trực tiếp đến với đồng bào Nam bộ.

Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh Nam bộ đã đề nghị nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam bộ đứng ra phát biểu ý kiến. Bài phát biểu đã kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, bày tỏ thái độ thân thiện với quân đồng minh, sẵn sàng đặt lại quan hệ với nước Pháp trên cơ sở tôn trọng nền độc lập của Việt Nam với lời kêu gọi khi kết thúc: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Đáp lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, tất cả mọi người dân đã đồng lòng nổi dậy, dũng cảm kiên cường đánh trả quân xâm lược. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần “Độc lập hay là chết”, những người con ưu tú của Nam bộ đã dám chống chọi với kẻ thù hùng mạnh có tàu chiến, máy bay, xe tăng...

Ông Trần Văn Giàu không quên nhắc nhở đồng bào: “Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (…). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại nô lệ”.

Đáp lời Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam bộ Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Lâm ủy Hành chánh Nam bộ long trọng đọc lời tuyên thệ trước đồng bào sẽ cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước. Sẽ cùng đồng bào vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.

Thay mặt nhân dân, lãnh đạo Tổng Công đoàn Nam bộ Nguyễn Văn Lưu đọc lời thề: “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi cương quyết: Không đi lính cho Pháp; không làm việc cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; không dẫn đường cho Pháp”.

Hàng trăm ngàn người phía dưới hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề”. Đó là lời thề của những con người đã quyết chí không chịu làm nô lệ một lần nữa.

Ngay trong đêm 22-9, khi nhân dân và các lực lượng tự vệ ở khắp nơi thuộc Sài Gòn - Gia Định chống trả quyết liệt với quân thù thì sáng 23-9-1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, TP.HCM).

Đây là cuộc họp liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Trong hội nghị này, có hai luồng ý kiến khác nhau: Một bên đề nghị phải ra lệnh kiên quyết đánh; một bên nêu quan điểm chưa nên hạ lệnh kháng chiến mà chờ xin ý kiến Trung ương..., để rồi Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ quyết định “phải đánh trả ngay”. Bốn ngày sau ngày
23-9-1945, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện vào miền Nam tán thành chủ trương đánh ngay này. 

Thành công của cuộc kháng chiến ở Nam bộ bắt đầu từ những quyết định “sinh tử” của người chịu trách nhiệm cao nhất, của vị “tướng ngoài biên ải” Trần Văn Giàu. Trong tình hình khó khăn ấy, nhất là sự liên lạc với cơ quan đầu não tối cao của Trung ương ở Hà Nội không thông suốt, bằng khả năng lãnh đạo nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán của mình, đặc biệt là trách nhiệm trước lịch sử, nhân dân và đất nước, người đứng đầu ở Nam bộ khi ấy đã thể hiện xuất sắc trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình, điều mà chúng ta rất cần cho hôm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Dĩ nhiên, việc chống dịch sẽ khác nhau ở các địa phương khác nhau, nhưng rất cần tinh thần quyết đoán của người đứng đầu. Chỉ một tuyên bố của người đứng đầu về việc nếu ở đâu để dân bị đói, cán bộ ở đó sẽ bị cách chức và người đứng đầu cũng sẽ từ chức đã tạo niềm tin, tinh thần để người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngọc Anh

Tin xem nhiều