Báo Đồng Nai điện tử
En

Sâu sát đời sống nhân dân

08:11, 28/11/2021

Luôn sâu sát, gần gũi với người dân, nhiệt tình, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ… là điều dễ nhận thấy ở ông Nguyễn Hoàng Lam Sơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng KP.Hiệp Đồng (TT.Định Quán, H.Định Quán).

Luôn sâu sát, gần gũi với người dân, nhiệt tình, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ… là điều dễ nhận thấy ở ông Nguyễn Hoàng Lam Sơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng KP.Hiệp Đồng (TT.Định Quán, H.Định Quán).

Ông Nguyễn Hoàng Lam Sơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng KP.Hiệp Đồng (TT.Định Quán, H.Định Quán) cùng Tổ trưởng Tổ nhân dân số 1 trao đổi công việc của khu phố. Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Hoàng Lam Sơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng KP.Hiệp Đồng (TT.Định Quán, H.Định Quán) cùng Tổ trưởng Tổ nhân dân số 1 trao đổi công việc của khu phố. Ảnh: NVCC

Chính bởi vậy, ông Sơn luôn nhận được sự tin tưởng của cấp trên, sự yêu mến của người dân địa phương.

* Hỗ trợ kịp thời cho người dân

Ông Sơn cho biết, KP.Hiệp Đồng có 14 tổ nhân dân với khoảng 1,4 ngàn hộ dân. Dịch bệnh vừa qua khiến đời sống người dân khó khăn hơn. Vì vậy, ông Sơn cùng cán bộ khu phố tập trung, nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người khó khăn trong dịch bệnh sao cho kịp thời, hiệu quả nhất.

Trong đó phải kể đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ông Sơn cùng các tổ nhân dân thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để rà soát, tránh bỏ sót đối tượng được thụ hưởng. Ông Sơn cho biết: “Chúng tôi vừa đến nhà vừa tuyên truyền về chính sách, vừa hướng dẫn người dân làm hồ sơ. Nếu người dân nào thuộc diện được thụ hưởng, chúng tôi sẽ cấp phát ngay hồ sơ. Người dân ghi xong, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn chỉnh sửa sao cho đúng quy định. Nhiều trường hợp không biết viết, thì đọc thông tin, chúng tôi sẽ viết giùm”.

Ông Sơn còn thành lập thêm trang Facebook Người Hiệp Đồng để kết nối người dân trên địa bàn khu phố. Tại đây, ông Sơn liên tục thông báo, nhắc nhở người dân đang sinh sống, làm việc tại KP.Hiệp Đồng đủ điều kiện nhưng chưa làm hồ sơ đề nghị trợ cấp hãy liên lạc vào số điện thoại của ông hoặc các tổ trưởng tổ nhân dân để được hướng dẫn, hỗ trợ. Hay “người dân nào hiện đang sinh sống tại khu phố thật sự khó khăn về lương thực hãy liên lạc số điện thoại của Trưởng khu phố. Trong vòng 15 phút, chúng tôi sẽ xác minh hỗ trợ ngay”...

Ông Sơn cho biết, nhờ tích cực bằng nhiều cách khác nhau, tiến độ chi trả hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68 trên địa bàn được thực hiện đảm bảo. Trung bình  khoảng 15-20 ngày từ ngày nộp hồ sơ, người dân sẽ được cấp phát tiền. Đến nay, trên địa bàn khu phố đã có nhiều đợt người dân thuộc đối tượng hưởng Nghị quyết 68 được hỗ trợ, trung bình mỗi đợt từ 200-400 người dân. Khi phát tiền hỗ trợ, ông Sơn cũng công khai danh sách trên trang Facebook của khu phố để người dân nắm rõ. Đồng thời, chia lịch cấp phát theo từng tổ nhân dân thay vì tập trung về nhà văn hóa khu phố để tránh tập trung đông người.

Chị Võ Thị Ái Thư, công chức Văn hóa - xã hội phụ trách việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 trên địa bàn TT.Định Quán cho biết, trong quá trình triển khai nghị quyết này, cùng với sự nỗ lực của thị trấn, đội ngũ cán bộ ở khu phố đã luôn sâu sát nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, góp phần đẩy nhanh nhất có thể tiến độ hỗ trợ cho người dân. Trong đó, phải kể đến ông Nguyễn Hoàng Lam Sơn.

Cùng với việc đẩy nhanh việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68, các nguồn hỗ trợ từ cấp trên, ông Sơn và cán bộ khu phố còn chủ động vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm cho người dân. Nhờ đó, không chỉ những người dân khó khăn mà toàn bộ 1,4 ngàn người dân trên địa bàn khu phố đều được nhận 1-2 phần quà hỗ trợ.

“Dịch bệnh khiến ai cũng khó khăn hơn, nhất là trong thời điểm giãn cách. Chính vì vậy, có thêm phần quà vừa là hỗ trợ vật chất, vừa là động lực tinh thần để mọi người cùng tin tưởng, đoàn kết vượt qua dịch bệnh” - ông Sơn cho hay.

* Phát huy sức mạnh từ dân

Song song với việc sâu sát để chăm lo đời sống người dân, ông Sơn chú trọng phát huy “tai mắt” từ dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ông Sơn cho biết, ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, ông đã photo thông tin, số điện thoại của ông và lực lượng bảo vệ khu phố, phát tới hơn 1,4 ngàn hộ dân. Đồng thời, đề nghị khi nắm được thông tin người lạ, người từ địa phương khác vào địa bàn, người dân thông tin ngay cho cán bộ khu phố đến tuyên truyền thực hiện khai báo y tế.

Từ khi tỉnh triển khai việc cách ly các trường hợp F0, F1 tại nhà, ông Sơn đã đề xuất thị trấn thành lập tổ hỗ trợ chăm sóc F0, F1 tại nhà của khu phố. Theo đó, tổ sẽ bao gồm lực lượng nòng cốt là bảo vệ dân phố, tổ trưởng nhân dân, chi hội phụ nữ sẽ hỗ trợ những nhu cầu người dân cần trong suốt thời gian cách ly tại nhà. Đặc biệt, khi đi treo bảng hoặc đưa quyết định cách ly y tế, ông Sơn luôn trao đổi và tuyên truyền cho những hộ dân xung quanh cùng tham gia vào theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F0, F1. Qua đó, giúp những trường hợp này an tâm và chấp hành đầy đủ các quy định về cách ly y tế, tránh lây lan dịch bệnh.

“Tôi luôn xác định việc phát huy “tai mắt” từ dân rất ý nghĩa và quan trọng. Cũng nhờ “tai mắt” từ nhân dân mà thời gian qua khu phố đã nắm bắt được nhiều nguồn tin giá trị hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn” - ông Sơn nói.

Thảo Lâm

Tin xem nhiều