Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện vùng xa trên chặng đường phát triển mới

10:03, 16/03/2022

Hằng năm, đến thời điểm tháng 3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Định Quán lại có những chương trình hành động thiết thực để kỷ niệm Ngày Giải phóng huyện (17-3).

Hằng năm, đến thời điểm tháng 3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Định Quán lại có những chương trình hành động thiết thực để kỷ niệm Ngày Giải phóng huyện (17-3).

Lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành cầu Thanh Sơn, cây cầu nối liền xã Thanh Sơn và các địa bàn lân cận là niềm mơ ước của người dân hàng chục năm nay. Ảnh: N.Liên
Lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành cầu Thanh Sơn, cây cầu nối liền xã Thanh Sơn và các địa bàn lân cận là niềm mơ ước của người dân hàng chục năm nay. Ảnh: N.Liên

Những hoạt động văn hóa, thể thao, những nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về kinh tế, xã hội được nêu cao nhằm phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng quê hương miền núi anh hùng.

* Âm vang chiến công đường 20

Đường 20, nay là quốc lộ 20, có chiều dài hơn 20km đi qua địa phận H.Định Quán. Trong những năm kháng chiến, đường 20 có vị trí chiến lược nối miền Đông Nam bộ với Tây nguyên (bắt đầu từ ngã tư Dầu Giây lên đường 21 tại Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Với tầm quan trọng đó, đường 20 được quân địch xây dựng 1 chi khu quân sự với hệ thống phòng thủ tương đối mạnh tại Định Quán (trước kia thuộc tỉnh Tân Phú).

Chủ tịch UBND H.Định Quán TRẦN QUANG TÚ cho biết, Định Quán đang tăng tốc hoàn thành một số mục tiêu về kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025. Theo đó, huyện tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện các chính sách hỗ trợ, từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, huyện huy động tối đa các nguồn lực để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM và bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái vườn và rừng, gắn với giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm nông nghiệp của huyện; xây dựng H.Định Quán trở thành điểm du lịch của tỉnh và khu vực Đông Nam bộ…

Trong chiến dịch Tây nguyên, việc đánh chiếm chi khu quân sự của địch tại Định Quán là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo tư liệu từ Lịch sử Đảng bộ huyện Định Quán, ngày 17-3-1975, cuộc tiến công địch của quân giải phóng trên đường 20 bắt đầu với sự kiện pháo binh Sư đoàn 7 bắn tấp nập hàng loạt pháo vào phân chi khu Phương Lâm, La Ngà, Núi Tràn, đồi Lăng Xi, cao điểm 112 và tiến công vào chi khu Định Quán, cuộc chiến đấu giằng co đến 24 giờ ngày 17-3, rạng sáng 18-3-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy chi khu.

Liên tiếp các chiến thắng sau đó, từ dinh quận trưởng đến trận địa pháo, cao điểm 112 và 2 gộp đá cứ điểm của địch lần lượt được giải phóng. Cùng với giải phóng chi khu Định Quán, các cứ điểm của địch tại Đạ Huoai, đồn La Ngà và quân lính, sĩ quan chế độ Sài Gòn đều được giải phóng và bắt giữ. Đường 20 được giải phóng đã cắt đứt con đường bộ từ miền Đông Nam bộ lên Tây nguyên của địch, mở thêm một hành lang quan trọng cho quân giải phóng, tạo bàn đạp và điều kiện thuận lợi cho quân chủ lực của ta bao vây, tiến công giải phóng TX.Long Khánh, cửa ngõ và tuyến phòng thủ của địch ở phía Đông Sài Gòn, giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Nhằm ghi lại những dấu ấn, âm vang chiến công trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước của quân và dân Định Quán qua các cuộc kháng chiến, những địa danh nổi tiếng như: Tượng đài chiến thắng La Ngà, khu vực đá Ba chồng… đã trở thành điểm đến để tìm hiểu về lịch sử, về tinh thần yêu nước của nhiều thế hệ trẻ. Những người cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Định Quán năm xưa như cựu chiến binh: Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Thảo Nguyên, thượng tá Nguyễn Trọng Tiết… đã trở thành những nhân chứng lịch sử, những tấm gương sáng về hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ với sự chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

* Vững bước trên chặng đường mới

Ngày nay, sự thay da đổi thịt mỗi ngày của H.Định Quán đã cho thấy sức sống mãnh liệt, tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất đã giúp cho H.Định Quán vươn lên vượt qua những khó khăn, trở thành huyện miền núi có những thành tích đáng trân trọng và tự hào.

Là một trong những xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ hơn 20 năm trước, xã Phú Túc là một trong những điển hình hiện nay về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc Nguyễn Trường Tiến chia sẻ, tiếp nối truyền thống yêu nước, thi đua lao động sản xuất trong tình hình mới, nhiều năm nay, xã Phú Túc luôn tự hào là lá cờ đầu trong các hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội… của huyện.

Năm 1975, toàn huyện chỉ có 87 đảng viên; đến cuối năm 2021, H.Định Quán có 4.873 đảng viên sinh hoạt ở 255 chi bộ. Toàn huyện có trên 94,6 ngàn hội viên, đoàn viên trong các tổ chức MTTQ, đoàn thể, đạt tỷ lệ trên 70,6%. Đến nay, 100% ấp, khu phố có chi bộ. Lòng tin của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và triển vọng phát triển đất nước được giữ vững, tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội. An ninh - chính trị được giữ vững, 14/14 xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác phòng, chống mại dâm, ma túy năm 2021.

Năm 2018, Phú Túc là một trong những xã đầu tiên đạt NTM nâng cao của huyện, mức thu nhập bình quân 68 triệu đồng/người/năm. Đến nay, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo A. Ông Tiến cho biết: “Hiện Phú Túc đang phấn đấu là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Từ năm 2022-2025, thu nhập bình quân của người dân đạt 72 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh những mục tiêu về kinh tế, xã Phú Túc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng hệ thống chính trị đoàn kết. Duy trì tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm các chính sách theo quy định đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, gia đình cách mạng…”.

H.Định Quán cũng như các địa phương khác trong tỉnh và cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, thích ứng với tình hình mới sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kết quả kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn 2020-2022 vừa qua cho thấy những nỗ lực vượt khó của huyện khi tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, đa số các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, có tăng so với cuối nhiệm kỳ trước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; toàn hệ thống chính trị cùng nhân dân quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM nâng cao, do đó hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng lên, đáp ứng từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Ông Vũ Mạnh Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, lợi thế có quốc lộ 20 đi qua cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã giúp cho huyện thuần nông như Định Quán có những đổi thay, trong đó nổi bật nhất là sự liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất với các đối tác lớn, bảo đảm đầu vào và đầu ra cho nông dân. Định Quán cũng xây dựng các vùng chuyên canh phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện kinh tế từng địa bàn cụ thể như: vùng trồng cây xoài, cây lúa, cây công nghiệp… tạo nên những thế mạnh riêng cho H.Định Quán. Nông dân Định Quán tạo ra những sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tạo được tiếng vang trên thị trường, khẳng định thế mạnh về nông nghiệp hiện đại tại địa phương như: các sản phẩm từ ca cao, thực phẩm chế biến trái cây sấy, gà thảo mộc, vùng trồng VietGAP, cánh đồng mẫu lớn với cây lúa…

Ngọc Liên

Tin xem nhiều