Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: 'Đầu tàu' trong xây dựng quê hương

07:04, 21/04/2022

Bên cạnh đóng góp nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thể hiện được vai trò gương mẫu và kết nối đồng bào tham gia các hoạt động xây dựng quê hương.

[links()]Bên cạnh đóng góp nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thể hiện được vai trò gương mẫu và kết nối đồng bào tham gia các hoạt động xây dựng quê hương.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải trao tặng quà biểu dương ông Thạch Vương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Kh’mer tại xã Lang Minh (H.Xuân Lộc) ngay tại ruộng bắp ông đang làm việc. Ảnh: S.Thao
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải trao tặng quà biểu dương ông Thạch Vương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Kh’mer tại xã Lang Minh (H.Xuân Lộc) ngay tại ruộng bắp ông đang làm việc. Ảnh: S.Thao

Nhờ vậy, tại Đồng Nai, đồng bào DTTS không chỉ là những người thụ hưởng chính sách ưu đãi mà còn chủ động tham gia đóng góp tiền của, hiến đất, ngày công lao động để từng bước thay đổi bộ mặt hạ tầng ở cộng đồng và địa phương. 

* Cầu nối tạo đồng thuận

Năm 2021, Nhà nước thực hiện mở rộng đường số 5 thuộc KP.Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh (TP.Long Khánh). Dọc hai bên đường có 15 hộ phải lùi nhà, đất vào sâu khoảng 10m để nhường không gian cho công trình. Khi nghe thông tin qua các cuộc vận động, tiếp xúc, bà con nơi đây khá lo lắng.

Trong số này, phần đất mà gia đình ông Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào Chơro, phải lùi vào để nhường thực hiện công trình đến giữa phòng khách căn nhà kiên cố của ông. Sau khi tìm hiểu kỹ về chủ trương thực hiện làm đường, mức bồi thường cho hộ bị ảnh hưởng, ông đã trao đổi cùng bà con để tạo sự đồng thuận.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng: Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS

Trong năm qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã đóng góp tích cực cùng cộng đồng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều tấm gương người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được tỉnh tuyên dương, khen thưởng khi tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, thực hiện các nhiệm vụ kết nối người dân cùng cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng quê hương. Trong năm 2022, người làm công tác dân tộc cần tiếp tục sâu sát với người có uy tín trong đồng bào DTTS để kịp thời nắm rõ tâm tư, kiến nghị của đồng bào DTTS, qua đó kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp phù hợp.

Qua việc phân tích lợi ích to lớn mà Nhà nước dành cho đồng bào, tác động tích cực khi con đường hoàn thành sẽ đem lại cho khu vực đồng bào sinh sống so với việc hiến đất mở đường thì người dân đã đồng thuận. Tuy nhiên, phần diện tích đất hiến là quá lớn đối với mảnh đất của từng hộ nên bà con còn chần chừ. Để bà con thêm tin tưởng, gia đình ông Lượng là hộ đầu tiên nhường đất để thực hiện công trình. “Bà con thấy mình miệng nói tay làm, tháo dỡ ngay phần hàng rào, mái hiên để sẵn sàng nhường đất cho công trình dù phần đất làm đường vô tới nửa căn nhà, vậy là ai cũng chủ động lùi hàng rào, công trình phụ vào sâu bên trong khu đất theo đo đạc của địa phương. Nay thấy con đường mở rộng to đẹp và sắp làm cả lề đường bê tông ai cũng phấn khởi” - ông Lượng nói.

Có một điểm đáng khâm phục ở người đàn ông Chơro này là trong thời điểm công trình diễn ra, ông bị tai biến phải nằm viện rồi điều trị tại nhà trong thời gian dài. Vậy nhưng khi hộ nào trong số 200 gia đình Chơro cần trợ giúp là ông luôn có mặt bằng cách nhờ người thân chở đến nơi để lắng nghe những điều mà bà con gửi gắm.

Còn bà Nguyễn Thị Luyến (dân tộc Mường, người uy tín ở ấp 2, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) cho biết, để có thể trở thành cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với bà con thì trước tiên bản thân bà phải nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đang được triển khai tại địa phương, nhất là những nội dung liên quan đến chế độ, chính sách dành cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, bà dành thời gian định kỳ đến từng khu vực dân cư để gặp gỡ 65 hộ dân tộc Mường trên địa bàn. Hay khi có tin gia đình nào cần trợ giúp là bà tìm đến để nắm thông tin, chuyển kiến nghị của bà con đến chính quyền địa phương.

Bà Luyến kể, năm 2021, một bà mẹ đơn thân trong ấp đang nuôi con nhỏ phát hiện mình mắc bệnh tim, mong muốn được Nhà nước trợ giúp chính sách về y tế để có điều kiện trị bệnh và giúp con mình không phải nghỉ học giữa chừng. Từ nguyện vọng chính đáng này, bà Luyến trao đổi với chính quyền và qua các bước xác minh, làm thủ tục, gia đình này đã được địa phương đưa vào diện hộ nghèo.

Riêng với ông Dịp Vĩnh Sáng (dân tộc Hoa, người uy tín ở ấp 3, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom), việc di chuyển đến gặp từng hộ gia đình để tuyên truyền, nắm bắt thông tin khá vất vả bởi đồng bào DTTS thường sinh sống ngay tại nơi sản xuất nên nhà này cách nhà kia có khi từ 500m đến cả 1km. Nhưng với vai trò được giao, ông cũng cố gắng tìm đến với bà con. Ông Sáng cho biết: “Ở địa phương, con cháu sau khi nghỉ học phần lớn đều ở nhà phụ giúp cha mẹ làm rẫy hay đi làm công nhân. Do đó, việc con em mình đi bộ đội đôi khi làm cha mẹ và cả chính thanh niên trong cộng đồng cảm thấy lăn tăn”.

Vì vậy, ông đến từng gia đình có con em có tên trong danh sách gọi nhập ngũ để động viên gia đình yên tâm khi con lên đường nhập ngũ. Nhờ đó mà chỉ tính riêng trong năm 2021, có đến 36 thanh niên là người DTTS ở địa phương tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

* Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Hàng chục năm qua, già làng Chơro Nguyễn Văn Long (ở xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) là người đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện các lễ hội truyền thống của cộng đồng. Mỗi dịp mùa xuân, khuôn viên căn nhà ông là địa điểm để cộng đồng tìm đến tham gia các lễ hội của dân tộc mình. Đây cũng là nơi các nhóm nghiên cứu văn hóa nhiều tỉnh, thành trong cả nước, sinh viên và giảng viên các trường văn hóa nghệ thuật tìm đến. Ngoài ra, ông còn giữ vai trò khuyến khích và truyền dạy cồng chiêng cho con em trong cộng đồng. Qua đó, góp phần tạo lớp kế cận biết về văn hóa của dân tộc.

Em Nguyễn Minh Trọng (dân tộc Chơro, học sinh lớp 8, Trường THCS Hàng Gòn) nói: “Được học cồng chiêng với già làng Nguyễn Văn Long em rất vui. Em mong sau này mình cũng giống như ông, sẽ biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong các dịp lễ. Còn về nói tiếng đồng bào mình, lúc đầu khi tiếp xúc với bạn bè người Kinh, Hoa ở lớp, em ngại nói tiếng Chơro. Nhưng già làng đã giúp em tự tin hơn, vì ông nói nếu như nói sỏi tiếng Chơro là em đã có cho mình tới 2 ngôn ngữ rồi”.

Già làng Chơro xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) Nguyễn Văn Long truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ
Già làng Chơro xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) Nguyễn Văn Long truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ

Một người uy tín khác tại TP.Long Khánh cũng đóng vai trò tiên phong trong phát huy vai trò đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng là ông Hoàng Thế Hồng, người uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bảo Quang.

Ông Hồng chia sẻ: “Trong cuộc sống không thể thiếu những sự việc xích mích, cự cãi lẫn nhau về ranh đất, quan hệ gia đình, hàng xóm… 77 hộ đồng bào người Hoa ở trong ấp cũng không ngoại lệ. Như mới đây, vì ranh đất mà 2 người hàng xóm cự cãi kịch liệt và thiếu chút nữa đánh nhau. May nhờ nhận được tin báo từ người dân nên tôi đến kịp lúc để khuyên cả hai cùng dịu xuống…”.

Hay chỉ cách đây ít tháng thôi, một phụ nữ người Hoa sinh con tại nhà mà không kịp đến bệnh viện. Ngay lúc đó, bà con gọi ông đến liên hệ cơ sở y tế để chuyển mẹ con sản phụ đến bệnh viện theo dõi. Mọi chuyện đáng ra sẽ không có gì phải nói tới, nhưng chỉ ít ngày sau, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip với nội dung vì chồng không quan tâm gia đình, chỉ lo ăn nhậu nên người vợ không có tiền và không ai đưa đến bệnh viện để sinh nở.

“Những điều không đúng sự thật này đã gây hoang mang và bức xúc trong bà con. Là người chứng kiến và hiểu hoàn cảnh của từng gia đình trong cộng đồng nên trước sự việc này, tôi đã đứng ra giải thích, bảo vệ gia đình liên quan đến sự việc. Qua đó, giúp người dân hiểu đúng điều đang diễn ra và thôi chỉ trích người bị hiểu lầm” - ông Long nói.

Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh cùng UBND cấp huyện đã tiến hành khen thưởng 87 người có uy tín đóng góp tích cực trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng 60 cá nhân; UBND cấp huyện đã tổ chức khen tặng 27 người có uy tín.

Văn Truyên - Nguyễn Phượng

Bài cuối: Cần thêm sự quan tâm

Tin xem nhiều