Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đổi mới và phát triển

06:05, 03/05/2022

Mặc dù trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, bị tàn phá nặng nề của chiến tranh nhưng với khát vọng độc lập, thống nhất non sông, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm đánh bại các thế lực xâm lăng, bảo vệ độc lập đúng như lời Bác dạy: "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

[links()]Mặc dù trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, bị tàn phá nặng nề của chiến tranh nhưng với khát vọng độc lập, thống nhất non sông, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm đánh bại các thế lực xâm lăng, bảo vệ độc lập đúng như lời Bác dạy: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các em học sinh tham quan triển lãm nhân sự kiện 50 năm giải phóng tỉnh  và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Ảnh: Khu di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cung cấp
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các em học sinh tham quan triển lãm nhân sự kiện 50 năm giải phóng tỉnh và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Ảnh: Khu di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cung cấp

Kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường đó, ngày nay tỉnh Quảng Trị nỗ lực vươn lên khắc phục hậu quả chiến tranh, bứt phá xây dựng tỉnh xứng tầm một trong những tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

* Truyền thống anh hùng

Để tỉnh Quảng Trị được giải phóng vào ngày 1-5-1972, hàng ngàn người con ưu tú trong cả nước và Quảng Trị đã hy sinh dọc các tuyến đường Trường Sơn, đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, bên dòng Thạch Hãn, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… đến nay chưa tìm thấy mộ. Một tỉnh không lớn nhưng có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS). Chỉ riêng 2 NTLS quốc gia Đường 9 và Trường Sơn, đã có hơn 31 ngàn người con ưu tú của Tổ quốc yên giấc ngàn thu. Trong đó, phần lớn liệt sĩ còn thiếu thông tin, hoặc thiếu một phần thông tin mà cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chức năng đang ngày đêm phải tiếp tục những phần việc cho người nằm lại...

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có phần lớn thời gian gắn bó cuộc đời binh nghiệp với chiến trường Quảng Trị bồi hồi nhớ lại: “Khe Sanh, Quảng Trị sẽ mãi mãi không thể nào quên trong ký ức của tôi”. Tướng Thệ vào chiến trường Quảng Trị tháng 4-1968 và tham gia trong cao điểm 425 (Bắc Đường 9 - Nam Lào), nhiều đồng đội của ông hy sinh khắp các chiến trường Nam Lào, Khe Sanh, Hướng Hóa.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đến năm 1970, khi là đại đội trưởng, ông đã tạo dấu ấn bằng việc chỉ huy đơn vị đánh tan một tiểu đoàn của địch khi chúng vừa nhảy dù xuống Động Cô Tiên vùng Hướng Hóa, Khe Sanh… Điều này đã cho phép khẳng định, tiểu đoàn của ta có thể đánh thắng tiểu đoàn của địch.

Trước sự kiện 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, cùng sự đổi thay ở nhiều vùng chiến trường xưa như: Khe Sanh, Hướng Hóa, Đông Hà, Thành cổ…, Trung tướng Phạm Xuân Thệ bùi ngùi bộc bạch: “Tôi may mắn hơn những đồng đội là được sống, chứng kiến ngày đất nước hòa bình, được tận mắt thấy sự đổi thay của vùng đất lửa, tôi càng nhớ đồng đội khôn nguôi. Họ đều hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi; những hàng bia mộ khắp các NTLS làm tôi lại nhớ sức trẻ hào hùng năm xưa cùng đồng đội xông pha vào trận tuyến”.

Dù tuổi cao, ông vẫn là Trưởng ban Liên lạc Sư đoàn 304, Phó ban Liên lạc Quân khu Trị - Thiên, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội về với đất mẹ. Theo ông, hiện vẫn còn đó nhiều anh hùng liệt sĩ đang nằm lại khắp núi rừng Khe Sanh, Hướng Hóa hùng vĩ hay trong lòng sông Thạch Hãn, Bến Hải…

Theo đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nửa thế kỷ trôi qua, cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vẫn là những “trang sử bằng vàng của dân tộc”, được viết nên bởi biết bao xương máu, sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào anh dũng, bất khuất, kiên cường. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc và là minh chứng sống động về sức mạnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh…

* Xây dựng, đổi mới và phát triển

Tham luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng tại hội thảo Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển đã viết: “Nhìn lại 50 năm trước, Quảng Trị là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước. Hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề với trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước (khảo sát của Bộ Quốc phòng, khoảng 82% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ). Cùng với đó, thiên tai lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân…”.

Trong điều kiện khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, chăm lo, ổn định đời sống nhân dân, khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn lên xây dựng tỉnh đạt nhiều kết quả, đặc biệt từ 1989 đến nay. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn bình quân đạt 7,8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần, thu nhập đầu người tăng gấp 10 lần, tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989…

Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho hay hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ tiếp tục khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử của “vùng đất lửa” anh hùng; đồng thời, khơi dậy tinh thần vượt khó, sức sáng tạo, kiên cường của người Quảng Trị trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong cuộc chiến chống đói nghèo và bứt phá biến “vùng đất lửa” thành một Quảng Trị thay da đổi thịt với thành tựu đổi mới, phát triển mọi mặt ngày nay.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng thông tin thêm, tỉnh có nhiều chủ trương nhằm hiện thực hóa niềm tin: “Nhà máy mới mọc trên chiến hào”. Từ chỗ “trắng” về công nghiệp, đến nay Quảng Trị đã đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với hơn 7,7 ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, tạo ra các thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước từ nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, kết nối, nâng cao chuỗi giá trị cho sản xuất hàng hóa từ vùng đất lửa…

Cùng với đó, 19 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời và 11 dự án thủy điện được đưa vào vận hành thương mại, đưa tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt hơn 965MW. Công nghiệp năng lượng hiện hữu trên vùng đất lửa đầy nắng gió đã và đang đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.

“Những di tích lịch sử cách mạng xưa như: Thành cổ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ… một thời hoa lửa giờ trở thành các “địa chỉ đỏ” của du lịch truyền thống và là “địa chỉ xanh” của du lịch sinh thái hòa bình hữu nghị. Đôi bờ của những dòng sông một thời mang nỗi đau “chia cắt” được kết nối bằng những cây cầu: Cửa Tùng, Cửa Việt, Hiền Lương, Thạch Hãn, Hiếu Giang… Đường 9 năm xưa “gọi ta đi đánh giặc” giờ được nâng cấp, mở rộng thành con đường xuyên Á, kết nối Thái Bình Dương với các tiểu vùng sông Mê Kông rộng lớn… đang làm cho Quảng Trị “máu và hoa” năm xưa thay da đổi thịt, vững bước trên dựng xây, đổi mới và phát triển” - đồng chí Lê Quang Tùng nhấn mạnh.

Là người dân sống tại Vĩnh Linh trước ngày Hiệp định Genève được ký kết, bà Trần Thị Thiến cho hay: “Chiến tranh ác liệt, bom đạn kẻ thù cày xới mảnh đất Quảng Trị, nhất là khu vực Thành cổ, ít ai có thể nghĩ lại có một Quảng Trị đổi thay và đang phát triển như hôm nay. Thế hệ chúng tôi đã “gần đất xa trời”, chỉ mong con cháu kế thừa xứng đáng truyền thống cha ông, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững”...

Nguyệt Hà (Quảng Trị, tháng 4-2022)

Tin xem nhiều