Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo

03:08, 08/08/2022

Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tỉnh thực hiện chủ trương của Trung ương về thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo.

Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tỉnh thực hiện chủ trương của Trung ương về thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo.

Ban Dân vận Tỉnh ủy kiểm tra công tác dân vận tại Ban Dân vận Thành ủy Long Khánh
Ban Dân vận Tỉnh ủy kiểm tra công tác dân vận tại Ban Dân vận Thành ủy Long Khánh. Ảnh: P.HẰNG

Việc thực hiện các mô hình mới đã đem lại những kết quả tích cực nhưng cũng nảy sinh một số bất cập, cần giải pháp tháo gỡ.

Thí điểm một số mô hình

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn các địa phương và căn cứ Kết luận 34-KL/TW ngày 7-8-2018 (gọi là Kết luận 34) của Bộ Chính trị, Ban TVTU đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thí điểm các mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện gồm: trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm chính trị, trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ, trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy ĐẶNG MINH NGUYỆT cho biết, sau khi có hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn thuộc Trung ương về thực hiện Kết luận 16 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tham mưu Tỉnh ủy để hướng dẫn thực hiện cụ thể về các mô hình tổ chức mới trên địa bàn tỉnh.

Đến nay toàn tỉnh đang thực hiện thí điểm 4 mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý như: trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm chính trị ở 11/11 huyện, thành phố; trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ ở 11/11 huyện, thành phố; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ ở 5 huyện, thành phố (Long Thành, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu) và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra ủy kiêm chánh thanh tra ở H.Nhơn Trạch và TP.Long Khánh.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, qua triển khai cho thấy, các mô hình đã góp phần giảm biên chế (giảm 16 chức danh lãnh đạo, quản lý ở địa phương); tiết kiệm cho ngân sách.

Khi thực hiện mô hình kiêm nhiệm, việc truyền tải chủ trương, nghị quyết của Đảng sang tổ chức, thực hiện của chính quyền được rút ngắn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, góp phần rèn luyện, nâng cao năng lực, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.

Những hạn chế

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện các mô hình này cũng bộc lộ những hạn chế. Trưởng ban Dân vận Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh Phạm Văn Hoàng cho hay, việc bố trí trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ phần nào đã ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công việc của từng cơ quan. Công tác chuyên môn của cơ quan Mặt trận và cơ quan ban Dân vận đều rất nhiều, đòi hỏi phải có sự đeo bám từng việc trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; đồng thời thường xuyên có những việc đột xuất phát sinh. Do vậy cùng 1 người phải làm lãnh đạo 2 cơ quan thì khó sâu sát với công việc.

Báo cáo của Tỉnh ủy cũng chỉ rõ, khi một người làm lãnh đạo 2 cơ quan không tránh khỏi có lúc nhầm lẫn vị trí công tác, lúng túng trong xử lý công việc và phải phụ thuộc nhiều vào cấp phó.

Việc thực hiện quyền hạn được giao trong mối quan hệ công tác khi 1 người làm lãnh đạo 2 cơ quan cũng có nhiều bất cập, như trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ hoặc chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra huyện vừa là ủy viên thường vụ, vừa là ủy viên UBND huyện. Trong khi đó phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực nội vụ và thanh tra chỉ là ủy viên ban chấp hành Đảng bộ huyện…

Từ những thuận lợi, bất cập như trên, Ban TVTU đã kiến nghị Trung ương một số vấn đề, như tiếp tục thực hiện mô hình trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm chính trị huyện; kết thúc mô hình thí điểm trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra huyện.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký thông báo Kết luận 16 của Bộ Chính trị về việc thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong kết luận, Bộ Chính trị đánh giá cao sự chủ động, tích cực của một số cấp ủy, tổ chức Đảng trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới theo Kết luận 34.

Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận 34 còn một số hạn chế, vướng mắc như một số cấp ủy chưa thật quyết liệt, có nơi còn chủ quan, nóng vội, lúng túng, kết quả chưa đồng đều giữa các địa phương.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung; trong đó tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình: chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra cấp tỉnh, huyện; trưởng ban tổ chức cấp tỉnh đồng thời là giám đốc sở nội vụ; trưởng ban tổ chức cấp huyện đồng thời là trưởng phòng nội vụ; chánh văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là chánh văn phòng HĐND, UBND cấp huyện.

Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì ban thường vụ tỉnh, thành ủy chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị.

Phương Hằng

Tin xem nhiều