Báo Đồng Nai điện tử
En

Hòa chung ngày hội non sông

07:09, 01/09/2022

Cách đây 77 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cách đây 77 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Không khí ngày Tết độc lập đầu tiên cách đây 77 năm tại Sài Gòn, nay là TP.HCM  (Nguồn: TL)
Không khí ngày Tết độc lập đầu tiên cách đây 77 năm tại Sài Gòn, nay là TP.HCM (Nguồn: TL)

Đó mãi là thời khắc lịch sử thiêng liêng, đánh dấu sự chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

* Triệu trái tim chung một niềm hân hoan

Theo ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai, năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng đánh vào Đà Nẵng và nhanh chóng thôn tính nước ta, thực dân Pháp đã áp đặt chế độ cai trị chuyên chế, hà khắc và tàn bạo làm cho xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc. Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội và cũng là giai cấp bị bóc lột tới mức bần cùng khốn khổ; giai cấp công nhân ra đời từ công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp thì bị áp bức, bóc lột; tầng lớp tiểu tư sản đời sống bấp bênh… Vì vậy, hơn lúc nào hết, cả dân tộc Việt Nam đều khát khao giành được độc lập, thoát khỏi thân phận nô lệ. Khát khao đó đã trở thành động lực để tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Vì lẽ đó, khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Đặc biệt, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong sách Địa chí Đồng Nai (tập III) viết: “Với nhân dân Biên Hòa, không khí độc lập, tự do cuốn hút mọi người dân từ nông thôn, thị xã, đồn điền vào việc xây dựng cuộc sống mới”.

Thời điểm ấy, triệu trái tim trong cả nước có chung một niềm hân hoan. Tại Hà Nội, khắp các con phố đều tung bay cờ, hoa, khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại của dân tộc. Chiều 2-9-1945, một biển người đứng chật quảng trường hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Trong khi đó, ở Sài Gòn (nay là TP.HCM), từ buổi trưa người dân đã đổ ra đường; cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ giăng khắp nơi và các tầng lớp nhân dân cũng trong tâm thế hân hoan chờ đợi giây phút tuyên bố độc lập. Không riêng Hà Nội, Sài Gòn, mà các tầng lớp nhân dân ở khắp các tỉnh, thành cũng tham gia các hoạt động diễu hành, mít tinh hưởng ứng ngày Tết độc lập đầu tiên.

Sinh ra, lớn lên và tham gia hoạt động cách mạng ở H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nên ông Nguyễn Ngọc Thạch (cán bộ lão thành cách mạng, hiện ngụ ở xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) chứng kiến trọn vẹn cuộc Cách mạng Tháng Tám và không khí ngày Tết độc lập đầu tiên tại quê hương mình. Ông Thạch kể, thực hiện quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 23-8-1945, các tầng lớp nhân dân đã đồng loạt mít tinh, biểu tình thị uy và đến ngày 31-8-1945 đã giành được chính quyền về tay nhân dân, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi và sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập 1 ngày (tức ngày 3-9-1945), hàng ngàn người dân quê ông đã tham gia mít tinh kỷ niệm sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ đây người dân Việt Nam đã được hưởng độc lập,tự do.

Trong cuốn Hồi ức Mai Chí Thọ (tập 1), cố Đại tướng Mai Chí Thọ (khi đó đang bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo) viết về không khí ngày 2-9 tại nhà tù Côn Đảo: “Ngày 2-9, anh em làm ở bưu điện, qua đài bắt được tin về Tuyên ngôn độc lập và danh sách các thành viên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa… Mấy ngày đó, cửa khám, cửa banh đều mở tung ra. Bọn giám ngục rã rời… Chúng tôi tự do đi từ khám này đến khám kia, banh này đến banh kia, gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò hả hê… như say, như tỉnh…”.

* Người dân Biên Hòa hòa cùng ngày hội non sông

Với người dân Biên Hòa, ngày 2-9 cách đây 77 năm lại càng có ý nghĩa. Theo ghi chép sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, để tiến hành khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám, nhân dân, Đảng bộ Biên Hòa đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách cam go. Theo chia sẻ của ThS Trần Quang Toại, các cuộc đấu tranh ở Biên Hòa lúc bấy giờ đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ có rất ít đảng viên, chỉ 40 người và bị địch khủng bố, đàn áp. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh và hình thành được tổ chức cơ sở - Chi bộ Đảng Cộng sản làng Bình Phước - Tân Triều (nay thuộc xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu).

Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai có ghi: Chi bộ Cộng sản làng Bình Phước - Tân Triều ra đời trong lúc bọn cầm quyền thực dân Pháp tại tỉnh Biên Hòa không ngừng khủng bố. Thâm độc hơn, chúng ra sức xuyên tạc về những người cộng sản để làm cho quần chúng hiểu sai về chủ nghĩa Cộng sản, không ai dám gần người cộng sản mặc dù đó là người thân, ruột thịt của mình. Vượt lên khó khăn, thử thách, từ một chi bộ Đảng, ở Biên Hòa dần thành lập được nhiều chi bộ trong công nhân. Khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, chính những chi bộ Đảng này đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống kẻ thù bằng nhiều hình thức, giúp cho nhân dân nhận ra bản chất thực sự của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Vì vậy, phong trào đấu tranh ngày càng dâng cao và trở thành cao trào trong những ngày tháng Tám lịch sử.

Tại Biên Hòa, từ ngày
23-8-1945, công nhân và nhân dân ở một số nơi đã nổi dậy giành chính quyền. Sáng sớm 26-8-1945, hàng trăm quần chúng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã tiến vào Tòa bố Biên Hòa treo lá cờ đỏ sao vàng tại dinh tỉnh trưởng. Đông đảo nhân dân đã tập trung trước dinh tỉnh trưởng reo hò, ngắm nhìn ngọn cờ cách mạng. Ngày 27-8-1945, tại Quảng trường Sông Phố đã diễn ra cuộc mít tinh lớn với gần một vạn người tham dự, lắng nghe trưởng ban khởi nghĩa đọc diễn văn tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Cả Biên Hòa, từ phố thị đến các xã, thôn, các đồn điền cao su đâu đâu cũng sôi động cả một rừng người, rừng cờ, ai ai cũng hân hoan, cảm động đến trào nước mắt.

Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, bà Nguyễn Thị Thoại (ở xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) mới 7 tuổi nhưng vẫn nhớ không khí ngày độc lập đầu tiên sau gần một thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ. Lúc ấy, bà Thoại tham gia biểu diễn văn nghệ và là một trong những nhân vật trong vở kịch tái diễn cảnh đánh Pháp giành độc lập nên cũng có mặt tại lễ mít tinh. Thời điểm ấy, do còn quá nhỏ nên bà không hiểu hết được những lời lẽ trong tuyên ngôn mà mọi người truyền tai nhau, bà chỉ biết sau thời khắc ấy đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do.

Nói về thời điểm ấy tại H.Nhơn Trạch cách đây 77 năm, trong cuốn hồi ký Đất Mẹ của tác giả Nguyễn Văn Thông có viết: “Là thiếu nhi mới 11 tuổi, tôi náo nức nhảy chân sáo theo mọi người cùng hô vang một số khẩu hiệu: Việt Nam độc lập đồng minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!... Đoàn Thanh niên tiền phong Phú Hữu sôi nổi luyện tập quân sự, tuần tra canh gác xóm làng chặt chẽ... Bọn thiếu nhi chúng tôi bắt chước người lớn cũng hào hứng tham gia luyện tập… Phú Hữu từ xưa im lìm, vắng vẻ…, nay tối tối đường làng rộn rã, đầy ắp tiếng hô, tiếng cười xôn xao vang động tới khuya”.

Nga Sơn

Tin xem nhiều