Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết thúc chế độ thực dân - phong kiến, tiến lên nền dân chủ cộng hòa

08:09, 01/09/2022

Sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công vào ngày 19-8-1945 đã giúp nhân dân ta thoát khỏi sự thống khổ "một cổ hai tròng" dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Lịch sử Việt Nam chính thức bước sang trang mới tươi sáng hơn từ thời khắc ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công vào ngày 19-8-1945 đã giúp nhân dân ta thoát khỏi sự thống khổ “một cổ hai tròng” dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Lịch sử Việt Nam chính thức bước sang trang mới tươi sáng hơn từ thời khắc ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Độc lập. Nguồn ảnh: Cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn độc lập, NXB Thanh niên ấn hành
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Độc lập. Nguồn ảnh: Cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn độc lập, NXB Thanh niên ấn hành

Theo sử sách, chỉ vài ngày sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Huế, một sự kiện trọng đại đã được diễn ra. Đó là vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam thoái vị, nhường quyền điều hành đất nước cho chính quyền cách mạng.

* Chấm dứt hơn 1 ngàn năm tồn tại của chế độ phong kiến

Trong cuốn Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do NXB Quân đội nhân dân ấn hành, 2 tác giả Đặng Việt Thúy - Đặng Thành Trung biên soạn, có nêu: “Sáng ngày 29-8-1945, nhân dân Huế tổ chức mít tinh trọng thể ở sân vận động để hoan nghênh phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Phái đoàn gồm có: Trần Huy Liệu - Trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận. Buổi lễ được tổ chức long trọng trên cửa Ngọ Môn. Đúng 4 giờ, xe phái đoàn Chính phủ cách mạng cầm cờ đỏ sao vàng tiến thẳng vào cửa chính của Ngọ Môn giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn 5 vạn nhân dân nội, ngoại thành Huế. Bảo Đại quấn khăn vàng, mặc áo vàng, quần trắng ra đón phái đoàn”.

Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử

Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2-9, ngày 31-8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và thể thao tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử.

Triển lãm giới thiệu hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật vô cùng quý giá theo 4 nội dung gồm: Mùa Thu cách mạng, Ngọ Môn - Thời khắc lịch sử, Ba Đình - Vang vọng lời non nước và Những ngày Độc lập. 

Triển lãm tái hiện những ngày khởi nghĩa của mùa thu cách mạng cách đây 77 năm, quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, đặc biệt là 2 sự kiện lịch sử: Vua Bảo Đại thoái vị tại Ngọ Môn - Huế và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.    

Theo TTXVN

Trình tự của buổi lễ được nêu trong sách Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khái quát như sau: Ông Trần Huy Liệu giải thích cho đồng bào rõ ý nghĩa của việc phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, đọc cho đồng bào nghe bức điện mới nhận được từ Hà Nội đánh vào cho biết ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập; cùng với đó là danh sách Chính phủ lâm thời.

Sau khi vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị xong, trên kỳ đài, cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong tiếng chào mừng hoan hô của tiếng vỗ tay cùng 24 phát súng lệnh. Tiếp theo đó, buổi lễ được tiến hành với phần vua Bảo Đại trao chiếc quốc ấn bằng vàng nặng gần 10kg và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng, nạm ngọc cho ông Trần Huy Liệu. Trong bản tuyên bố của đoàn đại biểu Chính phủ mà ông Trần Huy Liệu đọc ngay sau đó nêu bật ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám; đồng thời, tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ và nhấn mạnh chính sách đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để giữ nước và dựng nước. 

Có thể nói, sự kiện vua Bảo Đại thoái vị là sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Khi thực dân Pháp tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam vào năm 1858, triều đình nhà Nguyễn đã để đất nước rơi vào tay giặc; trở thành công cụ chính trị đắc lực để Pháp cai trị, đô hộ, đẩy nhân dân vào cảnh “một cổ hai tròng” trong chế độ thực dân nửa phong kiến. Và vai trò bù nhìn của triều đình phong kiến tiếp tục được duy trì khi phát xít Nhật nhảy vào Việt Nam thay chân Pháp. Khi cách mạng vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật thì chế độ phong kiến mất chỗ dựa nên sự sụp đổ hoàn toàn là tất yếu của lịch sử.

* “Một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên của Độc lập, Tự do”

Theo thông tin trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn độc lập, do Vũ Kim Yến và Nguyễn Văn Dương sưu tầm biên soạn (NXB Thanh niên ấn hành), căn nhà số 48 Hàng Ngang là nơi được chọn để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội trong những ngày chuẩn bị cho lễ Độc lập. Ngày 26-8-1945, tại số 48 Hàng Ngang, Người và Thường vụ Trung ương Đảng đã họp, thảo luận và thông qua chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. Thường vụ quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Một trong những việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay là thảo bản Tuyên ngôn độc lập.

Bản in Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP.HCM)
Bản in Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP.HCM)

Ngày 27-8-1945, Người triệu tập cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng và kể từ ngày 28-8, Người tập trung vào việc soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn độc lập, có trích lại lời của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể trong cuốn Nhớ mãi những phút giây đầu tiên, như sau: “…Nửa đêm hôm ấy, tôi chợt thức giấc, thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc… Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy màu cờ đỏ là bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên của Độc lập, Tự do…”.

Ngày 30-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí khác đến trao đổi, góp ý cho bản dự thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Theo lời kể của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên: “Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người”.

Sự kiện ngày 2-9-1945, cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn độc lập có nêu: “Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng ngồi trong chiếc xe Ford - V8 tháp tùng Hồ Chí Minh từ Bắc Bộ phủ đến vườn hoa Ba Đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị chủ tịch của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra mắt đồng bào như một lãnh tụ lần đầu xuất hiện trước đông đảo quần chúng. Đó là một cụ già gầy gò, trán cao, mắt sáng, râu thưa. Cụ đội chiếc mũ đã cũ, mặc áo kaki cao cổ, chân đi dép cao su.

14 giờ, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lời của Bác điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn người ta thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Nhưng người ta tìm thấy ở ngay đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đầy sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người…”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều