Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức

07:09, 13/09/2022

Những năm qua, công tác tuyển dụng, đào tạo và xây dựng đội ngũ công chức thường xuyên được tỉnh quan tâm, đổi mới.

Những năm qua, công tác tuyển dụng, đào tạo và xây dựng đội ngũ công chức thường xuyên được tỉnh quan tâm, đổi mới.

Các thí sinh chuẩn bị bước vào vòng 1 kỳ thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện năm 2022. Ảnh: H.Thảo
Các thí sinh chuẩn bị bước vào vòng 1 kỳ thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện năm 2022. Ảnh: H.Thảo

Trong đó, thi tuyển công chức được xác định là khâu trọng yếu, một khởi đầu quan trọng để tuyển chọn được những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Với phương châm công khai, minh bạch, kỳ thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện năm 2022 được tổ chức mới đây cũng nhằm hướng đến mục tiêu đó.

* Đảm bảo công khai, minh bạch

Đồng chí Đặng Minh Nguyệt, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển dụng cho biết: “Điều quan trọng nhất trong kỳ thi là chọn được những cán bộ đáp ứng đủ trình độ, đạo đức, năng lực để làm trong cơ quan công tác Đảng, đoàn thể của tỉnh, huyện. Việc tuyển dụng phải được đảm bảo tính công khai, dân chủ theo cơ chế cạnh tranh, năng lực thực tế và hiệu quả công tác”.

Trên cơ sở tổng hợp phiếu đăng ký dự tuyển của các thí sinh, Hội đồng tuyển dụng trình Ban TVTU phê duyệt danh sách 104 thí sinh đủ điều kiện dự thi (trong đó có 101 thí sinh dự thi tuyển công chức ngạch chuyên viên và 3 thí sinh dự xét tuyển viên chức). Qua đó sẽ lựa chọn 53 thí sinh xuất sắc để bổ sung vào đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh.

Đồng chí ĐẶNG MINH NGUYỆT, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển dụng nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức còn góp phần lựa chọn được những cán bộ thật sự toàn tâm, toàn ý với công việc; hạn chế trường hợp cán bộ không chuyên tâm, thường xuyên “nhảy việc” từ cơ quan này sang cơ quan khác; phải tạo được sự ổn định trong đội ngũ cán bộ công chức ở các cơ quan, đơn vị. Và khi toàn tâm, toàn ý làm việc ổn định, cán bộ công chức sẽ có được nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác, từ đó làm việc, cống hiến tốt hơn. Sâu xa hơn nữa, còn góp phần tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho tỉnh.

Theo Hội đồng tuyển dụng, kỳ thi năm nay được thực hiện theo các quy định mới của Chính phủ và Bộ Nội vụ với nhiều sự khác biệt so với các năm trước đây. Các thí sinh sẽ tham gia 2 vòng thi: vòng 1, các thí sinh sẽ thi trắc nghiệm trên máy tính đối với môn kiến thức chung và môn ngoại ngữ. Thí sinh trả lời đúng từ 50% câu hỏi trở lên đối với từng phần thi các môn trắc nghiệm sẽ được dự thi vòng thứ 2 bằng hình thức thi viết với môn chuyên ngành tương ứng theo khối thi trong hệ thống chính trị.

Đồng chí Đặng Minh Nguyệt chia sẻ thêm: “Để kỳ thi được diễn ra như kế hoạch, đảm bảo đúng với tiêu chí minh bạch, công khai, tất cả các bộ phận có liên quan đều phải tập trung chuẩn bị suốt 3 tháng trước đó. Việc lựa chọn các thành viên trong từng ban coi thi hay giám sát thi được lựa chọn rất kỹ càng”.

 Chẳng hạn như đối với những cán bộ coi thi ở trong phòng thi trắc nghiệm trên máy tính thì phải lựa chọn những giám thị am hiểu nhiều về công nghệ thông tin, về kỹ thuật. Ngoài ra, còn có thêm nhiều cán bộ giáo viên của Trường Chính trị tỉnh tham gia xuyên suốt kỳ thi. Hội đồng tuyển dụng đã yêu cầu các thành viên Hội đồng tuyển dụng; thành viên Ban coi thi, Ban giám sát kỳ thi và các bộ phận, cá nhân có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, khách quan để kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

* Kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Liên quan đến việc thi tuyển công chức, Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo Bộ Nội vụ, dự thảo nghị định này được đưa ra nhằm thực hiện chủ trương đổi mới về nội dung và hình thức trong thi tuyển công chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi tuyển công chức. Qua đó, không chỉ nhằm sàng lọc để lựa chọn các ứng viên có năng lực trở thành công chức mà còn góp phần khoa học hóa, minh bạch hóa quy trình tuyển dụng công chức, phòng chống tiêu cực trong thi tuyển.

Theo dự thảo nghị định, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định không chỉ đánh giá về việc hiểu biết chung của thí sinh dự thi về chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật về quản lý nhà nước mà yêu cầu thí sinh hiểu về quyền, nghĩa vụ, chức trách, nhiệm vụ của công chức, kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ…

Ngoài ra, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các câu hỏi kiểm định sẽ tập trung đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất không yêu cầu phải thi môn ngoại ngữ và tin học vì theo yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Hiện dự thảo nghị định này đang được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều