Báo Đồng Nai điện tử
En

Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

07:09, 06/09/2022

Ngày 6-9-1942, tại nhà tù Côn Đảo, nơi thực dân Pháp giam giữ nhiều người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản, ông Lê Hồng Phong, Tổng bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam trút hơi thở cuối cùng. Ngày 6-9-1942 cũng là ngày ông tròn 40 tuổi.

 Ngày 6-9-1942, tại nhà tù Côn Đảo, nơi thực dân Pháp giam giữ nhiều người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản, ông Lê Hồng Phong, Tổng bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam trút hơi thở cuối cùng. Ngày 6-9-1942 cũng là ngày ông tròn 40 tuổi.

Đồng chí Lê Hồng Phong ảnh: TL
Đồng chí Lê Hồng Phong ảnh: TL

 

Trong tiểu sử tự thuật tự khai lý lịch tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), Lê Hồng Phong cho biết, ông được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Nghệ An.

* Một cuộc đời cách mạng đầy sôi động

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nên ông tự học là chủ yếu. 16 tuổi, ông đã xin làm công cho một hãng buôn tại Vinh để có tiền ăn học. Sau đó, ông chuyển sang làm công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy. Tại đây, vì vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi với giới chủ bóc lột, ông bị đuổi việc. TP.Vinh những năm đầu thế kỷ XX là trung tâm công nghiệp quy tụ nhiều lao động. Vì vậy, từ sau năm 1920, nơi đây được các nhà cách mạng chọn để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá những tác phẩm về chủ nghĩa Mác và các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài về trong nước. Được giác ngộ cách mạng, Lê Hồng Phong đã bước chân vào con đường trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Năm 1924, từ Việt Nam qua Thái Lan rồi vòng lên Trung Quốc, Lê Hồng Phong cùng một nhà yêu nước Việt Nam trẻ tuổi đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc). Khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được thành lập, Lê Hồng Phong là một trong 9 thành viên chủ chốt của Hội. Năm 1926, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1925, đồng chí Lê Hồng Phong đã lần lượt theo học các trường: Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân Quảng Châu, Trường Không quân Liên Xô, Trường Lý luận Quân sự tại Leningrad (Liên Xô), Trường Không quân số 2 ở Borisoglebsk (Liên Xô), Trường đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia Hồng quân Liên Xô với cấp bậc trung tá.

Sau khi cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh thoái trào, các tổ chức cộng sản bị thực dân Pháp đàn áp và tổn thất rất nặng nề. Theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong đã bắt liên lạc với các tổ chức Đảng trong nước để khôi phục lại tổ chức. Tháng 3-1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, do ông làm thư ký (Bí thư). Tháng 3-1935, tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao, mặc dù không tham dự đại hội, song ông đã được bầu làm Tổng thư ký (Tổng bí thư). Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao, ông Lê Hồng Phong cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đến Moskva tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản từ ngày 25-7 đến 21-8-1935.

Báo cáo tham luận tại đại hội, ông “thay mặt cho Đảng chúng tôi, cho công nhân, cho những người lao động Đông Dương, cho hàng ngàn tù chính trị đã bao năm rên xiết trong các nhà tù” trình bày về kinh nghiệm chiến đấu của những người cộng sản Đông Dương, về những khuyết điểm, kinh nghiệm mà Đảng đã thu hoạch được trong những năm khả năng, triển vọng của phong trào đấu tranh… Ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương được kết nạp vào Quốc tế Cộng sản (tháng 8-1935).

* Đi tới cuối của cuộc hành trình

Tháng 1-1936, Lê Hồng Phong tới Trung Quốc và triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải (tháng 7-1936) và sau đó về Việt Nam (tháng 11-1937) để lãnh đạo các phong trào cách mạng. Tháng 3-1938, ông dự hội nghị Trung ương tại Hóc Môn (Gia Định) quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Trước ngày bị địch đày ra Côn Đảo, Lê Hồng Phong đã bị bắt nhiều lần. Lần thứ nhất ngày 22-6-1939, bị địch kết án 6 tháng tù và trục xuất ông về quê Nghệ An. Ngày 6-2-1940, ông bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù và đày đi khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo.

Trước ngày ông hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, Tổng bí thư thứ nhất của Đảng là Trần Phú đã mất tại nhà thương Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện nay) trong thời gian đang bị giam cầm. Trước đó, vào tháng 8-1941 tại Hóc Môn, thực dân Pháp cũng đã xử bắn nhiều lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có 2 Tổng bí thư thứ ba (Hà Huy Tập) và thứ tư (Nguyễn Văn Cừ) cùng phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn…

Trước lúc đi xa, ông đã để lại lời nhắn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Lòng tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng đã thành hiện thực sau đó 3 năm, Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Những người yêu nước dù trong lao tù chịu bao đày ải, tra tấn song luôn “nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm. Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là nhân dân” (Nguyễn Văn Nguyễn - Tháng Tám trời mạnh thu).                                                                     

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích