Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt qua gian khó

06:09, 01/09/2022

Khu vực C.3, Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà) vốn là vùng sâu, vùng xa của H.Vĩnh Cửu. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực của người dân, đời sống người dân nơi đây đã có sự chuyển biến rõ nét.

Khu vực C.3, Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà) vốn là vùng sâu, vùng xa của H.Vĩnh Cửu. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực của người dân, đời sống người dân nơi đây đã có sự chuyển biến rõ nét.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà Nguyễn Văn Thu (giữa) đến thăm một mô hình làm kinh tế hiệu quả của nông dân C.3, Suối Tượng
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà Nguyễn Văn Thu (giữa) đến thăm một mô hình làm kinh tế hiệu quả của nông dân C.3, Suối Tượng

Vùng đất C.3, Suối Tượng ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng.

Bám trụ vươn lên

Từ trung tâm TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu), ông Nguyễn Văn Thu (Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà) chạy xe máy dẫn chúng tôi vượt đường rừng để vào khu vực C.3, Suối Tượng. Chạy hơn 10km đường nhựa 761, chúng tôi rẽ vào đường đất đỏ và tiếp tục đi hơn 8km để đến nơi, nhưng việc di chuyển gặp nhiều khó khăn vì đường đang hư hỏng nặng.

Ông HUỲNH VĂN THANH chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp cũng giống như những ngành nghề khác là đều trải qua những lúc thăng - trầm. Quan trọng là người nông dân phải cẩn thận trong tính toán làm ăn, không ngại cực khổ, phải kiên trì và tìm cách vượt qua khó khăn thì sẽ thành công.

Là một trong những người đặt chân đến C.3, Suối Tượng từ rất sớm nên ông Thu am hiểu tường tận vùng đất này. Ông Thu kể, năm 1993, ông đã dẫn gia đình rời quê từ tỉnh An Giang đến C.3 định canh, định cư theo chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi trọc. Lúc bấy giờ, C.3, Suối Tượng là vùng đất hoang vu nằm lọt thỏm trong rừng già, được bao bọc bởi cây rừng và hồ Trị An.

Ông Thu kể lại: “Cuộc sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài vì không có đường. Người dân có nhu cầu mua sắm thực phẩm, đồ dùng thì phải vượt sông qua tận xã Phú Cường của H.Định Quán”.

Tuy khó khăn về địa hình xa xôi, hiểm trở, nhưng nhiều người vẫn quyết tâm bám trụ vì C.3, Suối Tượng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, dưới hồ Trị An, tôm, cá rất nhiều; trên bờ có đất đai rộng lớn, cây cối tốt tươi. Phát hiện ra “vùng đất hứa”, nhiều người dân đã có mặt ở đây từ rất sớm để đầu tư làm ăn. Trong đó, có người đã chọn nghề đánh bắt cá và hằng ngày chèo thuyền ra hồ Trị An thả câu, giăng lưới, lợp mưu sinh, đồng thời họ còn đầu tư nuôi cá bè để tăng thu nhập. Những người mê làm rẫy vườn thì khai hoang, cải tạo đất để trồng trọt, chăn nuôi.

Hiện C.3, Suối Tượng có 2 mô hình chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao là trồng xoài và nuôi ba ba. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà vươn lên, ổn định cuộc sống.

Khi biết tin C.3, Suối Tượng là vùng “đất lành chim đậu”, người dân ở khắp nơi lần lượt tìm đến lập nghiệp, mưu sinh ngày càng nhiều, trong đó Việt kiều Campuchia chiếm tỷ lệ đông. Các hộ Việt kiều Campuchia hồi hương về vùng hồ Trị An sinh sống và hình thành các cụm dân cư với tên gọi: làng Việt kiều, làng chài C.3, làng bè Suối Tượng… và tồn tại đến nay cũng trên 30 năm.

Theo ông Thu, lúc trước dân cư còn thưa thớt, chỉ khoảng 20 hộ với hơn 90 nhân khẩu sinh sống. Thế nhưng, hiện đã tăng lên khoảng 500 hộ với trên 3 ngàn nhân khẩu, trong đó Việt kiều Campuchia chiếm trên 60%.

Khi nói đến C.3, Suối Tượng, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất gắn liền với nhiều cái không như: không điện, không đường, không trường, không trạm… Thế nhưng, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, còn C.3, Suối Tượng bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Nhà nước quan tâm và đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như: mở đường đi, xây trường học… Đặc biệt, cuối năm 2021, điện lưới cũng đã được Nhà nước kéo về tận xóm ấp, tạo nên sức sống mới cho vùng đất này.

Làm giàu chính đáng

Theo chân cán bộ Mặt trận, chúng tôi đến thăm khu vườn xoài rộng hơn 2ha và trang trại baba rộng cả ngàn m2 của ông Huỳnh Văn Thanh ở khu vực Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà). Đây là 2 mô hình đem lại thu nhập chính cho gia đình ông với trung bình từ 400-500 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi baba đang phát triển mạnh tại vùng C.3, Suối Tượng
Mô hình nuôi baba đang phát triển mạnh tại vùng C.3, Suối Tượng

Ông Thanh là một trong những gương nông dân điển hình về nghị lực vượt khó vươn lên tại địa phương. Trước đây, khi còn ở Campuchia, cuộc sống gia đình ông hết sức khó khăn, bấp bênh. Do đó, năm 1986, khi nghe tin lòng hồ Trị An có nhiều tôm, cá, ông đã quyết định trở về quê hương với hy vọng cuộc sống sẽ tốt hơn.

Với đôi bàn tay trắng, thời gian đầu gia đình ông Thanh gặp nhiều khó khăn, không có nhà ở cố định mà sống lênh đênh trên mặt hồ Trị An. “Nghề cá gắn với gạo chợ nước sông, sống ngày nào thì lo cái ăn bữa đó, gác mái chèo là cũng hết tiền. Sớm nhận ra điều này, tôi đã quyết định chuyển hướng để vươn lên” - ông Thanh chia sẻ.

Hằng ngày, ông Thanh bỏ thời gian và công sức gấp đôi chèo thuyền ra lòng hồ và cố gắng đánh bắt nhiều cá để tăng thu nhập và dành dụm được khoản tiền dùng vào việc mua 2ha đất để đầu tư làm ăn. “Tôi cố gắng vừa đi đánh bắt cá, vừa tranh thủ làm vườn; tiền thu từ bán cá sẽ dùng mua hạt giống: đậu, bắp… để trồng trọt. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài và bỏ công làm lời đã giúp tôi có nguồn thu nhập đảm bảo” - ông Thanh cho hay.

Năm 1999, ông Thanh quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cây ngắn ngày sang trồng xoài. Ông đã nhạy bén ứng dụng giống mới và một số kỹ thuật trồng, chăm sóc tiên tiến, giúp cho mô hình phát triển tốt và cho năng suất cao. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư làm trang trại nuôi baba và duy trì ổn định mô hình này đến nay đã gần 10 năm. Hiện tổng các khoản thu nhập của gia đình gần nửa tỷ đồng/năm.

“Điện sáng kéo về khu C3, Suối Tượng, bà con mừng rơi nước mắt… Người dân được nhiều cái lợi khi có điện như: nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, con em học hành thuận tiện, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế” - ông NGUYỄN VĂN THU, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà, chia sẻ.

Câu chuyện về bỏ sông nước lên bờ đầu tư làm ăn vươn lên của ông Huỳnh Văn Phal (khu vực Suối Tượng, ấp 4, xã Mã Đà) cũng đáng nể phục. Ông Phal cũng là Việt kiều Campuchia và hồi hương về lòng hồ Trị An lập nghiệp mưu sinh. Dù gia cảnh nghèo nhưng ông không mặc cảm mà luôn phấn đấu để vươn lên. Mỗi ngày, ông thức dậy từ lúc 2-3 giờ để đi bủa câu, giăng lưới. Ông còn làm bè nuôi cá lóc để tăng thêm thu nhập.

Sau 10 năm nỗ lực làm ăn, ông Phal đã dành dụm được tiền mua 1ha đất. Từ đây, ông quyết định bỏ nghề sông nước để lên bờ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. “Nghề cá rất cực khổ, phải thức đêm, thức khuya và thường đối mặt với sóng to, gió lớn, nhất là vào mùa mưa bão. Do vậy, tôi đã chọn hướng đi mới ổn định, an toàn hơn” - ông Phal chia sẻ.

Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, cuối cùng ông Phal đã chọn xoài làm cây trồng chủ lực và duy trì ổn định trong nhiều năm nay. Bởi giống cây này phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất Suối Tượng và thường cho năng suất cao. Ông còn đầu tư trang trại rộng 500m2 để nuôi khoảng hơn 3 ngàn con baba và duy trì ổn định hơn 8 năm nay. Nhờ siêng năng, chịu khó, cộng với biết cách làm ăn đã giúp cuộc sống gia đình ông Phal ngày càng ổn định và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang.

Sau 8 năm quay trở lại C.3, Suối Tượng, chúng tôi thấy vùng đất này bừng lên một sức sống mới. Những vùng đất trống, đồi trọc thưở nào đã thay bằng những vườn cây ăn trái xanh tốt và trang trại chăn nuôi hiệu quả. Những căn nhà chòi tạm bợ được thay thế bởi những căn nhà khang trang, kiên cố. Nhiều gia đình có điều kiện còn mua sắm xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại. Dẫu biết C.3, Suối Tượng vẫn còn những khó khăn phía trước, thế nhưng với sự nỗ lực của bà con cùng sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, hy vọng nơi đây tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thành Nhân

Tin xem nhiều