Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh giám sát phòng, chống tham nhũng và hoạt động tư pháp

09:08, 24/08/2007

Trong lần về tiếp xúc với cử tri mới đây, tân Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, UVTW Đảng, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai LÊ THỊ THU BA đã dành nhiều thời gian để trao đổi một số vấn đề liên quan được cử tri và giới báo chí quan tâm. Đó là vai trò giám sát của Quốc hội, mà đặc biệt là Ủy ban Tư pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng; các lĩnh vực liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử; cải cách tư pháp...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba (bên trái) đang trò chuyện với cử tri tại TX. Long Khánh.

Trong lần về tiếp xúc với cử tri mới đây, tân Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, UVTW Đảng, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai LÊ THỊ THU BA đã dành nhiều thời gian để trao đổi một số vấn đề liên quan được cử tri và giới báo chí quan tâm. Đó là vai trò giám sát của Quốc hội, mà đặc biệt là Ủy ban Tư pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng; các lĩnh vực liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử; cải cách tư pháp...

 

* Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng có hợp lý?

 

Nhiều cử tri tỏ ra phân vân khi Luật Phòng, chống tham nhũng lại "giao" cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Theo các cử tri, quy định như thế là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" và hiệu quả phòng, chống tham nhũng sẽ không cao. Một số cử tri đề xuất là luật nên quy định giao cho Chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm Trưởng ban này thì hợp lý hơn. Và trong Ban chỉ đạo cần cơ cấu có thủ trưởng các đơn vị sau: Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Tổng biên tập báo Đảng bộ cấp tỉnh. Bởi vì thực tiễn thời gian qua cho thấy, chính những tổ chức vừa nêu đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba cho rằng, phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đồng thời là Phó bí thư (hoặc Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) làm Trưởng ban chỉ đạo thì vẫn đảm bảo được vai trò lãnh đạo của Đảng. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không làm thay việc của chính quyền, cơ quan tư pháp mà trách nhiệm là chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi nhiệm vụ của mình. Mặt khác, Trưởng ban chỉ đạo đồng thời là Chủ tịch UBND tỉnh thì sẽ thuận lợi hơn trong việc chỉ đạo các sở, ngành đề ra biện pháp và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng ngay trong từng cơ quan đơn vị. Bên cạnh, nói cách nào đó thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người cầm quyền hành pháp cao nhất tỉnh thì phải đề ra được biện pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Quốc hội cũng đã bàn rất kỹ và quyết định "tách" HĐND tỉnh ra khỏi Ban chỉ đạo là nhằm để cho tổ chức này thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát. Quốc hội, mà trực tiếp là Ủy ban Tư pháp, ngoài giám sát Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng sẽ phối hợp với HĐND cấp tỉnh tăng cường giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng tại các địa phương.

Xung quanh một số ý kiến của cử tri cho rằng, các vụ án tham nhũng nổi cộm trong thời gian qua chậm được xử lý và dường như có tình trạng khi mới bị phát hiện thì vụ nào cũng to bằng "đầu voi" nhưng đến lúc xử lại nhỏ như "đuôi chuột", bà Lê Thị Thu Ba nói: Không hẳn như vậy. Bởi vì một vụ án  muốn  xử    tới  nơi tới chốn phải có thời gian điều tra, truy tố và xét xử. Đối với những vụ án tham nhũng thì thường có nhiều chứng cứ, tình tiết phức tạp cần nhiều thời gian để các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra đầy đủ đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, nhưng cũng không được làm oan sai cho người vô tội. Đối với những vụ án nổi đình nổi đám mà báo chí, dư luận nêu là một thực tế, nhưng khi  xét xử các cơ quan bảo vệ pháp luật phải dựa trên cơ sở chứng cứ có tại hồ sơ, căn cứ vào quy định pháp luật mà xử. Ai tội đến đâu xử đến đó, không ai được phép thêm, bớt tội cho người khác. Phòng, chống tham nhũng không có ranh giới, không phân biệt chức to chức nhỏ, bất kể người đó là ai. Tuy nhiên, thực tế cũng có những vụ án tham nhũng phát hiện rồi nhưng khi xử lý cũng có chuyện nọ chuyện kia. Vì vậy, với trách nhiệm của mình, sắp tới đây Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường giám sát trên lĩnh vực hoạt động tố tụng để hạn chế tình trạng "xử nhẹ, xử nặng" như dư luận từng đồn đãi.

 

* Đẩy mạnh giám sát hoạt động tư pháp

 

Đối với cải cách tư pháp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, thời gian qua các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, song vẫn còn những mặt hạn chế cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Chất lượng điều tra, truy tố và xét xử ở nơi này nơi khác chưa đáp ứng như mong muốn mà Nghị quyết 49 đã đề ra. Người dân thiếu tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều vụ án đã xét xử rồi nhưng người dân vẫn khiếu nại và thực tế không ít vụ oan sai, không ít vụ phải xét đi, xử lại, rồi phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm. Trọng tâm của cải cách tư pháp chính là ở khâu xét xử tại tòa án. Thời gian qua, tuy có nhiều cải tiến nhưng thực chất tranh tụng tại phiên tòa còn nhiều điều phải bàn. Vai trò của luật sư, của đại diện Viện Kiểm sát, của chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử cần phải đổi mới hơn, đảm bảo đúng như tinh thần cải cách. Trong đó, việc tranh tụng giữa luật sư (thậm chí vai trò của luật sư tham gia từ đầu vụ án) cần được xem như thành tố quan trọng góp phần làm sáng tỏ vụ án.

Bà Lê Thị Thu Ba cho biết, những tồn tại, hạn chế đặt ra này chính là cơ sở để Ủy ban Tư pháp xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát, giám sát tình hình hoạt động của tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra. Và trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ đẩy mạnh hoạt động giám sát trên lĩnh vực hoạt động tư pháp. Kết quả giám sát là cơ sở để thẩm tra báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Chính phủ đồng thời chỉ ra được những mặt tích cực cần phát huy, những hạn chế cần khắc phục trong hoạt động tư pháp.

Cải cách tư pháp phải đạt mục tiêu quan trọng là pháp luật được thượng tôn, được áp dụng, xử lý đúng việc, đúng người, đúng tội, làm cho người bị xử và người bị hại tâm phục khẩu phục. Như thế xã hội mới ổn định và trật tự.

Phong Vũ

 

Tin xem nhiều