Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải "lớn" từ tư duy

09:02, 22/02/2019

"Sản xuất lớn" luôn là khát khao của mọi nền nông nghiệp, không ngoại trừ nông nghiệp Việt Nam bởi chỉ có sản xuất trên quy mô lớn thì nông sản mới có thể dễ dàng kiểm soát về chất lượng, giá cả, tính đồng đều... và có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn.

“Sản xuất lớn” luôn là khát khao của mọi nền nông nghiệp, không ngoại trừ nông nghiệp Việt Nam bởi chỉ có sản xuất trên quy mô lớn thì nông sản mới có thể dễ dàng kiểm soát về chất lượng, giá cả, tính đồng đều... và có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Một trái thanh long sản xuất từ một trang trại nhỏ, dù có tiết kiệm chi phí đến mức nào cũng khó có giá rẻ hơn trái thanh long sản xuất tại một vùng nông nghiệp rộng hàng trăm, hàng ngàn hécta do chi phí sản xuất áp dụng trên quy mô lớn sẽ rẻ hơn rất nhiều. Chính vì vậy, những quốc gia sớm có tư duy “làm lớn” về nông nghiệp thường xây dựng được những vùng sản xuất rộng hàng ngàn hécta - nơi có thể thuê trực thăng bón phân, có thể đầu tư cả một dây chuyền thu hoạch, sản xuất, chế biến từ đầu vào đến đầu ra và dễ dàng áp dụng những quy trình kiểm soát chất lượng cây trồng khắt khe nhất, và hơn hết, dễ có được những hợp đồng xuất khẩu lớn, lâu dài, bền vững.

Trên thực tế, nhiều nhà vườn tại Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung đã phải từ chối những đơn hàng xuất khẩu nông sản lớn do không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và tính đồng đều của sản phẩm - điều mà thói quen sản xuất manh mún lâu nay không làm được.

Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành cũng ra sức cải thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai diễn ra thuận lợi hơn nhằm làm nền tảng cho sản xuất lớn. Mặc dù vậy, những rào cản và vướng mắc về thủ tục mua đất, cho thuê đất, quản lý đất đai… khiến không nhiều doanh nghiệp hào hứng đầu tư trên diện rộng. Tại Đồng Nai hoặc bất kỳ địa phương nào trên cả nước, “tìm” cho ra một diện tích đất rộng hàng trăm hoặc tầm cỡ 1-2 ngàn hécta nhằm đầu tư nông nghiệp không hề là chuyện dễ dàng. Các chính sách và kể cả Luật Đất đai ra đời hầu như cũng hướng trọng tâm đến việc quản lý đất đai chung chung, chưa có sự ưu tiên nào cho phát triển nông nghiệp. Những chính sách hay văn bản dưới luật nhằm gỡ khó cho tình trạng này hầu như cũng chưa phát huy tác dụng nhiều. Đây là một nguyên nhân lớn khiến nông nghiệp Việt Nam bao năm qua chưa thể “lớn” lên nhiều.

Tuy nhiên, trước khi những vướng mắc nói trên được gỡ bỏ, cái đầu tiên có thể thay đổi nhằm cải thiện tình hình chính là tư duy của nông dân. Tư duy “lớn”, thì sản xuất sẽ có cơ hội “lớn”. Cụ thể, tăng tính liên kết giữa các trang trại, nông hộ nhỏ lẻ nhằm tạo ra những vùng sản xuất lớn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của từng đơn vị được bảo đảm rõ ràng, minh bạch là cách tốt nhất để sản xuất “lớn” lên. Trong trường hợp này, Nhà nước phải là “nhạc trưởng” trong việc tạo ra các cơ chế hợp tác, hướng dẫn, khuyến khích và cả chế tài để nông dân và doanh nghiệp bắt tay nhau. Có như thế, mới tạm giải quyết được bài toán sản xuất lớn trong thời điểm tập quán làm nông manh mún vẫn để lại nhiều hệ lụy.

Vi Lâm


Tin xem nhiều