Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất không bằng nhập

10:08, 26/08/2015

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong 7 tháng của năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được trên 3,7 triệu tấn gạo, thu về gần 1,6 tỷ USD, song lại phải bỏ ra gần 2 tỷ USD để nhập khẩu bắp và các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong 7 tháng của năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được trên 3,7 triệu tấn gạo, thu về gần 1,6 tỷ USD, song lại phải bỏ ra gần 2 tỷ USD để nhập khẩu bắp và các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì không kết nối được đầu ra của trồng trọt với đầu vào của chăn nuôi, nông dân luôn chịu sự bấp bênh với đầu ra của nông sản. Một số nông dân trên địa bàn tỉnh nói với Người nông thôn (NNT) tui:

- Chuyện xuất khẩu gạo không đủ tiền để nhập khẩu bắp, đậu nành và một số nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nông dân tụi tui đã nghe nói nhiều năm, nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa cải thiện được?

- Như NNT tui được biết thì ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo các tỉnh nên chuyển sang trồng bắp cung cấp cho thị trường trong nước để giảm nhập khẩu. Hiện nhu cầu về bắp để sản xuất thức ăn chăn nuôi rất lớn, nhưng diện tích trồng bắp không tăng mà còn giảm hơn 50 ngàn hécta so với cùng kỳ năm trước.

- Nông dân tụi tui nghĩ nếu không có quy hoạch và chính sách cụ thể để phát triển cây bắp thì rất khó mở rộng diện tích.

- Các tỉnh khác thì NNT tui không rõ, nhưng Đồng Nai mấy năm nay các huyện đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa 2-3 vụ sang trồng bắp và nhiều hộ chuyển đổi đã có lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa.

- Nông dân tụi tui cũng muốn chuyển sang trồng bắp để đầu ra ổn định, nhưng nhiều vùng muốn chuyển đổi phải có hệ thống thủy lợi phù hợp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng phải đặt hàng nghiên cứu ứng dụng các loại máy để thay thế sức người vì lao động nông thôn ngày một thiếu.

- NNT tui nghe nói hiện nay trồng bắp khâu làm đất, gieo hạt, thu hoạch và tách hạt đã có máy móc, nên một lao động có thể làm 1-2 hécta bắp.

- Không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh khác nông dân vẫn chưa chuyển đổi sang trồng bắp là vì còn nhiều khâu vẫn phải làm thủ công. Nếu cây bắp cũng được cơ giới hóa nhiều như lúa thì chắc chắn nông dân sẽ chuyển đổi với lượng lớn.

- Vậy khó khăn của việc chuyển đổi sang trồng bắp chủ yếu ở vấn đề lớn là thủy lợi và máy móc thay sức người?

- Đúng vậy, với cây lúa một lao động có thể làm 5-7 hécta vì các khâu được cơ giới hóa đến trên 90%. Nhưng cây bắp mới cơ giới hóa được vài công đoạn nên nhiều hộ vẫn chọn trồng lúa để khỏi bị áp lực thiếu lao động vào mùa vụ.

Người Nông Thôn

 

 

Tin xem nhiều