Báo Đồng Nai điện tử
En

Để công nghiệp hỗ trợ phát triển đúng hướng

07:02, 08/02/2012

Ngày 22-2-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây được xem là tuyên bố chính thức của Việt Nam đối với việc ủng hộ dành cho CNHT.

Ngày 22-2-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây được xem là tuyên bố chính thức của Việt Nam đối với việc ủng hộ dành cho CNHT. Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển đối với ngành này còn manh mún, thiếu tập trung, cho nên hiệu quả đạt chưa cao.

Trả lời phỏng vấn báo chí cách đây không lâu, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược - chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, điều mà xã hội mong đợi là một văn bản pháp luật cao hơn Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bởi, quyết định này mặc dù tạo được sự chú ý lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cơ bản đó mới chỉ là “quyết định” nên khi thực thi vẫn phải chịu sự ràng buộc của các văn bản pháp luật cao hơn như Luật DN. Mặt khác, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hình thành các cơ chế ưu đãi về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa; về công nghệ cao và các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Do đó, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg chưa phải là một chính sách mạnh mẽ. Ông Tuất dẫn chứng: ngay từ năm 1956, Nhật Bản đã ban hành những đạo luật liên quan đến CNHT như Luật Chống trì hoãn thanh toán của nhà cung ứng với nhà thầu phụ để giải quyết vấn đề chậm thanh toán tiền cho các DN cung cấp linh kiện. Như vậy, phải có luật thì CNHT mới phát triển một cách bài bản, đúng định hướng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thực tế, quá trình xây dựng các đề án phát triển CNHT, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực này đánh giá, CNHT giữ vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay - khi mà nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn thì vấn đề tập trung cho phát triển CNHT cũng gặp trở ngại. Trong khi đó, muốn hình thành ngành CNHT đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu chất lượng, trước tiên phải có nhiều tiền thì mới có thể đầu tư vào lĩnh vực đòi hỏi một nền công nghệ cao, hiện đại nên khá tốn kém về chi phí. Mặt khác, đội ngũ lao động cũng phải được đào tạo bài bản. Tất nhiên, đó là cả một chặng đường dài, cần có lộ trình và không dễ vượt qua. Nhưng để từng bước CNHT phát triển thuận lợi, không thể “đủng đỉnh” mãi mà phải nhanh chóng tìm hướng đi thích hợp với những giải pháp hợp lý và khoa học. Bởi, không ít người nhận định, các nước trong khu vực đã tiến nhiều bước dài về CNHT, nếu không theo kịp thì chẳng bao lâu nữa Việt Nam rất dễ bị bỏ lại phía sau. 

T.Nguyên

 

Tin xem nhiều