Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại... cấm

10:05, 03/05/2017

Suốt tuần qua, một trong những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm liên quan đến đề xuất của Bộ Y tế về việc cấm bán rượu, bia trong quán karaoke. Đây là một nội dung nằm trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo, sẽ đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2018 và có thể thông qua vào năm 2019.

Suốt tuần qua, một trong những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm liên quan đến đề xuất của Bộ Y tế về việc cấm bán rượu, bia trong quán karaoke. Đây là một nội dung nằm trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo, sẽ đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2018 và có thể thông qua vào năm 2019.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Y tế cho rằng cấm bán rượu, bia với một số đối tượng, ở những thời điểm khác nhau trong ngày, nhất là ở những khu vực, địa điểm nhạy cảm sẽ bảo vệ được sức khỏe cộng đồng, hạn chế được những hậu quả đau lòng có nguyên nhân từ rượu, bia. Bởi rượu, bia hiện là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam cùng các vấn đề xã hội phức tạp, như: tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, trật tự xã hội…Trong khi đó, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 triệu lít cồn/năm; số người uống rượu, bia ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Bộ Y tế cũng đánh giá giá việc cấm bán rượu, bia trong quán karaoke sẽ không làm phát sinh lợi ích hoặc thiệt hại kinh tế trực tiếp cho nguồn thu của Nhà nước mà chỉ góp phần giảm mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia. Bởi tại Việt Nam, tỷ lệ rượu thủ công chiếm 80% số lượng rượu tiêu dùng trên thị trường và hiện có khoảng 230 -280 triệu lít rượu thủ công chưa được quản lý. Đây là mối nguy hại lớn cho cộng đồng, mà thực tế đã cho thấy rất nhiều vụ ngộ độc chết người từ rượu có nguyên nhân bắt nguồn từ việc uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha chế thủ công độc hại.

Về chủ trương, có thể thấy đề xuất về cấm bán rượu, bia trong quán karaoke hay cấm bán cũng như cấm uống rượu, bia ở người dưới 18 tuổi và phụ nữ mang thai là hoàn toàn đúng và có thể nhìn thấy trước được hiệu quả. Thế nhưng, liệu có khả thi không khi thói quen uống rượu, bia trong mỗi cuộc vui đã tồn tại rất lâu, rất khó thay đổi? Và có nên cấm hay cần một giải pháp khác căn cơ hơn, hiệu quả hơn nữa để nắm phần gốc chứ không đơn thuần là việc giải quyết phần ngọn như hiện nay?

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo dự luật, thừa nhận hiện đã có trên 40 văn bản của nhiều ngành, tỉnh, thành và của Chính phủ liên quan đến hạn chế tiếp cận và sử dụng rượu, bia, như: cấm bia rượu trong bữa sáng, bữa trưa và giờ hành chính của cán bộ công chức. Tuy nhiên, hiệu quả của quy định mới ở mức khởi đầu, bởi không khó để tìm thấy cán bộ công chức uống rượu, bia trong các bữa trưa hay các cuộc tiếp khách. Rượu, bia được bày bán khá công khai, ai cũng có thể mua, kể cả một đứa trẻ.

Cấm hay không cấm, cấm như thế nào cho hợp lý vẫn là câu chuyện của nhiều lĩnh vực trong công tác quản lý của Việt Nam hiện nay. Đã có không ít quy định cấm ra đời nhưng không thể thực hiện được vì tính khả thi không cao, không được chấp hành. Có những điều cấm rất đúng, rất hợp lòng người nhưng thiếu những quy định rõ ràng, cụ thể để thực hiện. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta vẫn chưa tìm được những giải pháp hiệu quả hơn, đừng đơn thuần là không quản lý được thì… cấm.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều