Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết được không?

10:05, 21/05/2017

 Câu chuyện nghệ sĩ Trung Dân bị cô ca sĩ đàn em xúc phạm tại một gameshow đang nổ ra một cuộc tranh luận về tính dễ dãi trong các gameshow truyền hình hiện nay...

 Câu chuyện nghệ sĩ Trung Dân bị cô ca sĩ đàn em xúc phạm tại một gameshow đang nổ ra một cuộc tranh luận về tính dễ dãi trong các gameshow truyền hình hiện nay. Trước đó, việc Trấn Thành bị cấm sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng những chương trình truyền hình thực tế đang nở rộ, khó kiểm soát.

Trấn Thành từng bị phản ứng vì hài nhảm, phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh: Internet
Trấn Thành từng bị phản ứng vì hài nhảm, phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh: Internet

Hết rồi cái thời mà khán giả truyền hình mong chờ từng ngày để được xem những gameshow truyền hình vui nhộn nhưng đầy tính trí tuệ, như: SV, Đường lên đỉnh Olympia, Ở nhà chủ nhật, Rồng vàng… Giờ đây, mở bất cứ kênh truyền hình nào, vào bất kể các khung giờ (khỏi nói khung giờ vàng), khán giả đều thấy gameshow, thậm chí là bội thực gameshow.

Khó ai có thể còn nhớ có bao nhiêu gameshow truyền hình, bởi đài nào cũng phải có gameshow để hút khán giả và thu quảng cáo. Rất ít các gameshow được khán giả nhớ đến và có quá nhiều gameshow na ná nhau với người chơi là các nghệ sĩ mà gameshow nào cũng xuất hiện.

Không thể phủ nhận gameshow truyền hình và các chương trình truyền hình thực tế là một hình thức giải trí khá hấp dẫn. Việc nở rộ các chương trình này cũng giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn cho mình trước màn ảnh nhỏ. Nhưng việc quá dễ dãi trong kiểm soát chất lượng các gameshow đã khiến cho nhiều chương trình trở nên nhảm nhí, thô tục, nhiều scandal. Vậy mà khi có ý kiến góp ý về các chương trình hài nhảm trên truyền hình, diễn viên hài Trấn Thành còn thách thức khán giả khi cho rằng nếu không thích, khán giả có thể tắt tivi!

Đành rằng cái quyền xem hay không xem là của khán giả, nhưng trách nhiệm của nhà đài đến đâu khi thực hiện hoặc bán sóng để đổi lấy những chương trình nhạt nhẽo, vô bổ? Càng ở những khung giờ vàng, những chương trình mang tính giáo dục, định hướng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước càng ít đi. Trẻ em bây giờ không còn cái cảm giác hồi hộp, mong mỏi mỗi tối khi chờ đến chương trình Những bông hoa nhỏ. Thay vào đó, trẻ được xem rất nhiều phim hoạt hình với đủ thể loại yêu đương, thám hiểm, đánh đấm…

Người lớn bật kênh này thấy thi hát, kênh kia có hài, kênh nữa cũng hát, cũng hài… Quá nhiều người tài năng có hạn nhưng sau một đêm lên truyền hình bỗng nổi tiếng khắp cả nước, được tung hê và nghiễm nhiên ngồi vào ghế ban giám khảo cuộc thi a, b, c trên truyền hình. Nhiều nghệ sĩ có tài năng nhưng vì nhẵn mặt trên truyền hình nên đâm ra hết vốn, dẫn đến diễn lố, ăn nói thô tục, phản cảm...

Siết lại các gameshow truyền hình hiện nay là việc nên làm. Bởi, đã đến lúc khán giả cần những chương trình thực sự có chất lượng để giải trí, không phải nhà đài cứ cho “ăn” gì thì “ăn” đó. Điều này cần một sự quyết liệt từ cơ quan quản lý đến nhà đài, nhất là khâu kiểm duyệt để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng có quá nhiều gameshow nhưng na ná nhau, nhảm nhí và chỉ có tác dụng chọc lét khán giả.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều