Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân chơi của ai?

10:06, 12/06/2017

Tháng 6 này, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đón nhận thêm một "đại gia" mới trong lĩnh vực bán lẻ với thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện ích 24g nổi tiếng thế giới: 7-Eleven.

Tháng 6 này, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đón nhận thêm một “đại gia” mới trong lĩnh vực bán lẻ với thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện ích 24g nổi tiếng thế giới: 7-Eleven.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo đó, 7-Eleven Việt Nam là dự án kinh doanh được hợp tác bởi công ty con của 7-Eleven Nhật, có văn phòng tại Mỹ cùng một đối tác tại Việt Nam và đặt mục tiêu sẽ có 1 ngàn cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới. Chuỗi cửa hàng này được coi là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất từ trước đến nay trên thế giới với 61,5 ngàn cửa hàng tại 17 quốc gia.

Việc 7-Eleven chọn Việt Nam là điểm đến mới nhất góp phần chứng tỏ sức hút từ thị trường bán lẻ quy mô 90 triệu dân này đang rất lớn và có nhiều cơ hội gặt hái thành công. Tờ Saigon Times mới đây cho biết Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) và đây là sự trở lại tốp cao trong bảng xếp hạng mà Việt Nam đã từng đạt được trong lịch sử của chỉ số do hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney thực hiện, được công bố ngày 5-6.

Theo đó, khảo sát hàng năm về chỉ số GRDI này của A.T. Kearney cho biết năm nay Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua, như: Thái Lan (thứ 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (thứ 16), Saudi Arabia (thứ 11)...

Năm 2015, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoàn toàn, bằng việc cho nhà đầu tư ngoại sở hữu 100% vốn đầu tư, song thực tế từ năm 2009, thị trường bán lẻ đã mở ra cho các đối tác nước ngoài. Các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, FamilyMart cũng đã vào Việt Nam từ giai đoạn 2009-2010 và hiện đã có hàng trăm cửa hàng tại các thành phố lớn. Ngoài ra, còn có Lotte Mart, Emart từ Hàn Quốc, Takashimaya và Aeon từ Nhật, Central Group của Thái Lan…

Với dân số trẻ và tỷ lệ dùng internet tăng rất nhanh, đô thị hóa sâu rộng... dự kiến những năm sắp tới thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động. Hiện tại, các kênh mua sắm hiện đại mới chỉ chiếm 25%, song dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên 45%, cả nước sẽ có hàng trăm trung tâm thương mại, trên 1 ngàn siêu thì và hàng ngàn cửa hàng tiện ích... Dù vậy, phải nhìn nhận thị trường hấp dẫn này không có nhiều sân chơi cho các nhà bán lẻ trong nước khi còn quá nhiều thua kém so với các nhà bán lẻ ngoại. Hiện tại, Saigon Coop và Vinmart (Tập đoàn Vingroup) cùng một vài tên tuổi khác của Việt Nam cũng đang chật vật mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Song độ “phủ sóng” chưa nhiều và dự báo sẽ gặp không ít khó khăn khi cạnh tranh với các “ông lớn”.

Vi Lâm

Tin xem nhiều