Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cứu" hay không?

11:08, 21/08/2017

Cuối tháng 7-2017, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu để giải cứu ngành xi măng. Theo lập luận của bộ, hiện nguồn cung trong nước dư thừa 20%, và xi măng trong nước đang cạnh tranh rất gắt gao với xi măng từ Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác.

Cuối tháng 7-2017, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu để giải cứu ngành xi măng. Theo lập luận của bộ, hiện nguồn cung trong nước dư thừa 20%, và xi măng trong nước đang cạnh tranh rất gắt gao với xi măng từ Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Thực tế, giá xi măng nội địa đang có phần cao hơn xi măng nhập khẩu, do đó tiêu thụ khó khăn. Doanh nghiệp “kêu cứu” với Bộ Kế hoạch - đầu tư mới dẫn đến đề xuất giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng xi măng xuống dưới mức 5% nhằm giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, góp phần giảm áp lực nguồn cung lên thị trường trong nước.

Đề xuất giảm thuế xuất khẩu và thuế bảo vệ môi trường để thúc đẩy xuất khẩu than cũng được Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam đưa ra trước đó để giảm áp lực cạnh tranh khi giá thành sản xuất trong nước cao hơn giá than các nước khác. Cách đây mấy năm, ngành ô tô cũng kêu cứu lên Bộ Tài chính và bộ này đưa ra Thông tư 20 siết chặt xe nhập khẩu, làm nhiều nhà kinh doanh xe nhập khẩu phá sản hàng loạt, cũng với lý lẽ “cứu ngành sản xuất ô tô trong nước”.

Thật ra, bất kỳ một ngành kinh doanh nào cũng có những khó khăn nội tại lẫn khó khăn khách quan rất riêng, rất điển hình. Ngay lúc này, ngành điều, ngành đường, ngành thép, ngành gỗ, thủy sản, nông sản… đều tồn tại những khó khăn thách thức rất lớn khi thị trường trong nước ngày càng mở rộng, thị trường xuất khẩu có sức ép cạnh tranh cao, đòi hỏi nỗ lực đổi mới rất lớn từ doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Mong muốn Chính phủ hoặc các bộ chủ quản ra những chính sách ngắn hạn nhằm giải cứu các vấn đề trước mắt, cần được xem xét kỹ lưỡng hơn và xét trên tương quan với nhiều ngành nghề khác, đồng thời đo lường tác dụng lẫn tác hại của những chính sách ngắn hạn chỉ nhằm “cứu” một lượng hàng tồn kho hay một mùa nông sản ế. Chẳng hạn, một mùa “giải cứu” heo đã làm tái diễn các sạp thịt vỉa hè “ba không” (không kiểm dịch, không thuế, không rõ nguồn gốc quy trình) tại nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, mà chắc hẳn còn khá lâu mới dẹp hẳn được, bởi trong tình huống cấp bách cần tiêu thụ heo tồn, các luật lệ đã bị thả lỏng.

Hiện tại Bộ Tài chính đã từ chối giảm thuế đối với đề xuất của ngành than, và chưa có câu trả lời cho việc có giảm thuế để cứu xi măng hay không. Nhưng rõ ràng, cần có sự minh định và cái nhìn lâu dài về tư duy giải cứu, dù là bất cứ ngành nào, mặt hàng nào. Chấp nhận đề xuất giải cứu của ngành này sẽ khó làm ngơ với đề xuất của ngành khác. Và rõ ràng, mỗi lần giảm thuế để giải cứu, ngân sách lại bị thâm thủng. Sâu xa hơn, sự ưu tiên giải cứu nếu không đặt đúng lúc, đúng chỗ và đo lường cẩn thận sẽ tạo thành một thói quen không tốt cho bản thân các doanh nghiệp về lâu dài. Nói cho cùng, chấp nhận sản xuất, kinh doanh, đầu tư là chấp nhận những rủi ro thị trường, và phải liên tục vận động để tồn tại, thậm chí trả giá đắt để có thành công. Chính phủ rõ ràng sẽ có sự ưu tiên cho một vài ngành nghề cốt lõi của nền kinh tế khi gặp khó khăn, bởi nó ảnh hưởng quá nhiều đến cái chung. Song, cũng chính vì thế càng cần phải thận trọng trước khi chấp nhận các đề xuất giải cứu của các ngành.

Vi Lâm

Tin xem nhiều