Báo Đồng Nai điện tử
En

Tréo ngoe

11:08, 16/08/2017

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 vừa kết thúc, chưa kịp mừng vì tỷ lệ đậu cao chót vót, nhiều người không khỏi xót xa khi kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng được công bố.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 vừa kết thúc, chưa kịp mừng vì tỷ lệ đậu cao chót vót, nhiều người không khỏi xót xa khi kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng được công bố.

 Khó mà cười được khi có thí sinh đạt 29-30 điểm/3 môn xét tuyển vẫn không đậu vì không bằng thí sinh khác được cộng điểm ưu tiên vùng. Trong khi đó, chỉ cần 9-10 điểm/3 môn, thí sinh lại có thể nghiễm nhiên vào được trường cao đẳng sư phạm để sau này trở thành những thầy, cô giáo thực hiện nhiệm vụ quan trọng là trồng người. Nghịch lý tưởng ít xảy ra ấy lại đang trở thành hiện thực ở một nền giáo dục cố gắng thay đổi, cải tiến nhưng lại bộc lộ quá nhiều hạn chế, bất cập.

Đã có thời, câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trở nên phổ biến, bởi sư phạm mặc dù là nghề cao quý nhưng ít được học sinh chọn vì lương thấp lại vất vả. Y dược, bách khoa, kinh tế khi đó là ngành thời thượng. Học sinh giỏi thường quay lưng lại với ngành sư phạm để chọn cho mình ngành nghề đang “hot”. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam có quá nhiều cử nhân kinh tế, quản trị. Sinh viên giỏi ra trường vẫn không kiếm được việc làm, thất nghiệp, bỏ bằng cấp để đi làm công nhân.

Thế rồi cách đây khoảng 15 năm, sư phạm trở thành ngành “hot”, thu hút được đông đảo  học sinh giỏi vào học. Điểm tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sư phạm luôn nằm trong top trên. Tỷ lệ “chọi” giữa các thí sinh thi vào sư phạm khá khắc nghiệt.

Lý giải cho hiện tượng này, nhiều nhà giáo cho rằng nghề gõ đầu trẻ ngày càng được xã hội trọng dụng. Chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên tốt hơn giúp họ yên tâm giảng dạy, bám trường, bám lớp. Hơn nữa với những giáo viên giỏi, nếu chịu khó dạy thêm, thu nhập không kém bất cứ ngành nghề nào. Và thực tế cho thấy, những khóa sinh viên sư phạm có điểm thi đầu vào cao bao giờ cũng đảm bảo cho chất lượng đầu ra. Điều này tất yếu dẫn đến việc có thầy giỏi ắt có trò giỏi.

Vậy nhưng đến mùa tuyển sinh năm nay, với việc chỉ cần 3 điểm/môn thi, học sinh có thể đỗ vào một trường cao đẳng sư phạm khiến nhiều người giật mình. Điều gì đã khiến ngành sư phạm tuột dốc đến thế?

Trả lời báo chí về hiện tượng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng điểm tuyển sinh thấp xảy ra với ngành sư phạm chỉ ở bậc cao đẳng và ở một số trường không chuyên về sư phạm nhưng lại mở ngành đào tạo về sư phạm. Các trường đào tạo về sư phạm có uy tín vẫn đảm bảo được chất lượng đầu vào, điểm không thấp so với mặt bằng tuyền sinh chung năm nay.

Dù là thế, nhưng rõ ràng đây là thực trạng khá đáng buồn. Điều này còn bộc lộ khá nhiều bất cập trong nền giáo dục của nước ta. Đơn cử, như việc cho phép thành lập các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng quá ồ ạt, thiếu quy hoạch, định hướng phát triển. Nhiều trường tuyển sinh không đúng  chức năng, nhiệm vụ, có quá nhiều ngành “tréo ngoe” ra đời chỉ để “vét” cho đủ học sinh. Nhiều ngành học, sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.

Từ chuyện 9 điểm vào học trường sư phạm, nghĩ đến một thế hệ học trò không vượt qua được 5 điểm/môn để vào đại học, cao đẳng trong tương lai…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều