Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị

11:09, 15/09/2017

Trong một số hội nghị gần đây, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, đã quan tâm nhiều đến chất lượng các hội nghị.

Trong một số hội nghị gần đây, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, đã quan tâm nhiều đến chất lượng các hội nghị.

Đồng chí nêu: “Lâu nay ở các hội nghị có cái nhược là chỉ định ai thì người đó mới nói; không chỉ định thì không nói”. Đồng chí Trần Văn Tư cho rằng hội nghị không phải là nơi để tham luận mà phải thảo luận. Trước khi đi dự hội nghị, mọi người cần suy nghĩ vấn đề cần đóng góp, những ý kiến đóng góp phải xuất phát từ thực tế.

 Mỗi hội nghị được tổ chức không nằm ngoài mục đích tìm cho được lời giải những vấn đề còn tồn tại, hạn chế nên thành tích đạt được thì có thể khái quát lại, dành thời gian cho những cái khó.

Trong hội nghị phải đánh giá đúng tình hình, tìm được giải pháp gỡ những vấn đề khó, yếu kém; bàn cặn kẽ thấu đáo các vấn đề để tháo những điểm nghẽn. Hội nghị không chỉ để vỗ tay, khen thưởng, bởi điều này cũng cần nhưng chưa đủ…

Nhiều ý kiến khác cũng trăn trở, tài liệu phục vụ cho hội nghị đều được phát cho đại biểu, có đơn vị còn gửi trước tài liệu để đại biểu nghiên cứu nhưng vào hội nghị, đại biểu lại được nghe đọc toàn bộ tài liệu, trong đó có tài liệu báo cáo dài hàng chục trang, mất nhiều thời gian của hội nghị mà không đem lại tác dụng. Báo cáo cơ bản chỉ nêu thành tích, ưu điểm, còn những việc sẽ phải làm, những vấn đề đang đặt ra, những khó khăn vướng mắc giải quyết ra sao… thì đề cập sơ sài, chiếu lệ, thậm chí lướt qua.

Đến phần tham luận, hầu hết đại biểu đọc văn bản đã được chuẩn bị sẵn, thậm chí tham luận đã được đóng tập gửi cho đại biểu nhưng vẫn đọc lại. Trước khi vào phần nội dung tham luận, nhiều đại biểu có câu “được sự phân công của hội nghị”, hoặc “được sự cho phép của hội nghị”, hoặc “tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo tại hội nghị”, hoặc “tôi cơ bản nhất trí với báo cáo tại hội nghị”, ít khi thấy ai nói “tôi không nhất trí”.

Thông thường, chủ tọa đều nhắc nhở mỗi đại biểu được phát biểu 10-15 phút tại hội nghị nhưng có người phát biểu dài dòng, lan man kéo dài vài chục phút, không đi vào cốt lõi của nội dung hội nghị và những giải pháp cho vấn đề tồn tại.

Nội dung và phương thức tổ chức hội nghị không được thực hiện có hiệu quả là nguyên nhân để các đại biểu dự hội nghị làm việc riêng, về sớm, gây lãng phí thời gian, tiền của khi tổ chức các hội nghị.

Quỳnh Trang

Tin xem nhiều