Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng tiêu dùng nhanh

07:12, 12/12/2017

Hàng tiêu dùng nhanh là cụm từ khá phổ biến trong mấy năm gần đây, và là một xu hướng lớn của sản xuất hàng hóa trên thế giới.

Hàng tiêu dùng nhanh là cụm từ khá phổ biến trong mấy năm gần đây, và là một xu hướng lớn của sản xuất hàng hóa trên thế giới. Khái niệm này được viết tắt là FMCG (Fast Moving Consumer Goods), bao gồm nhiều chủng loại hàng tiêu dùng với một số tiêu chí, như: khả năng mua lại của khách hàng rất cao; tiền lời trên từng đơn vị sản phẩm thấp; nhà sản xuất mua nguyên liệu thô từ nhà cung cấp và sản xuất với quy mô lớn; thời gian sử dụng ngắn; giá sản phẩm thấp... Hàng tiêu dùng nhanh trải dài trên nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thực phẩm chế biến sẵn, may mặc, giày dép đến điện tử, điện máy và nhanh chóng trở thành xu hướng lớn trên toàn cầu nhờ các yếu tố chính như nhanh, rẻ, phổ biến.

Tại Việt Nam, hàng tiêu dùng nhanh đang là cuộc chơi của những thương hiệu đa quốc gia. Thống kê từ một số công ty nghiên cứu thị trường trong năm 2016 và 2017 cho thấy, chỉ có Vinamilk và Masan Group là có mặt trong bảng xếp hạng 10 công ty dẫn đầu hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam cả ở nông thôn và thành thị. Còn lại đều là các tên tuổi quen thuộc nhiều năm nay như: Unilever, P&G, Nestle, Asia Foods...

Với Vinamilk và Masan, điểm mạnh dĩ nhiên là lịch sử thương hiệu, nhãn hàng đa dạng, vốn liếng, kinh nghiệm marketing, hệ thống phân phối rộng khắp... Do đó, việc họ có mặt tại các bảng xếp hạng dẫn đầu về tiêu thụ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những thương hiệu nhỏ hơn với tiềm lực yếu hơn của Việt Nam có vẻ vẫn đang vất vả chen chân vào thị phần hàng tiêu dùng nhanh, tuy rộng lớn nhưng không kém phần khắc nghiệt.

Một điểm đáng chú ý của hàng tiêu dùng nhanh là giá phải rẻ và phải dễ mua. Nghĩa là nhà sản xuất phải phát triển nhà máy sản xuất (hoặc có các nhà máy gia công vệ tinh) quy mô lớn đủ để giảm giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất có thể. Vì hàng tiêu dùng nhanh không đòi hỏi chất lượng quá cao, song giá là yếu tố hàng đầu. Điều này thì các nhà sản xuất nhỏ khó lòng làm được, bởi lợi nhuận tính trên từng món hàng của ngành hàng này khá thấp. Do đó, nếu không sản xuất và bán đủ nhiều, nhà sản xuất rất khó có lời. Thêm 2 yếu tố quan trọng khác là hàng tiêu dùng nhanh phải dễ mua và quảng cáo rộng khắp. Những điểm yếu này vốn là điểm yếu cố hữu của đa số doanh nghiệp Việt Nam, bởi chi phí để xây dựng mạng lưới phân phối rộng lớn không hề rẻ, cả kinh phí marketing cũng thế.

Tiêu dùng nhanh trong tất cả mọi lĩnh vực, kể cả điện máy, điện tử hay xe hơi, đang là một xu hướng ngày càng mạnh mẽ. Người ta không còn đòi hỏi sức bền vĩnh cửu của sản phẩm nhiều như trước nữa, thay vào đó là các yếu tố: rẻ, tiện, thời trang và chất lượng tương đối. Do đó, hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... phần lớn đang đi theo xu hướng này. Đây cũng là điều đáng suy nghĩ của rất nhiều nhà sản xuất Việt Nam giữa thời cạnh tranh khốc liệt.

Vi Lâm

Tin xem nhiều