Báo Đồng Nai điện tử
En

Hữu cơ - cuộc chơi của "người giàu"?

07:12, 19/12/2017

Những năm gần đây, thị trường Việt Nam xuất hiện xu hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Những tên tuổi lớn như: Vinamilk, Vinamit, Saigon Co.op… cũng xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm theo chuẩn hữu cơ và bắt đầu mở rộng kênh phân phối dòng sản phẩm này.

Những năm gần đây, thị trường Việt Nam xuất hiện xu hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Những tên tuổi lớn như: Vinamilk, Vinamit, Saigon Co.op… cũng xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm theo chuẩn hữu cơ và bắt đầu mở rộng kênh phân phối dòng sản phẩm này. Theo đó, thị trường có nhiều hy vọng rằng khi nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, giá sản phẩm hưu cơ sẽ giảm đi so với hiện tại. Tuy nhiên, trước mắt dòng sản phẩm này dường như vẫn chỉ dành cho những người có thu nhập cao, và về phía nhà sản xuất, làm nên sản phẩm hữu cơ có vẻ vẫn là một “cuộc chơi” tốn kém.

Tại diễn đàn “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập” diễn ra mới đây tại Hà Nội, có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều số liệu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được công bố. Theo đó, thời gian qua diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã tăng đáng kể, đạt 70 ngàn hécta năm 2015, cao gấp 3,6 lần so với năm 2010. Thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ toàn cầu cũng sẽ tăng tốc mạnh dù thị phần hiện nay còn nhỏ, mới chỉ khoảng 4% doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống toàn cầu. Cụ thể, năm 2015, doanh thu của ngành này chỉ khoảng 81,6 tỷ đô la Mỹ, nhưng đến năm 2020 có thể lên tới 110 tỷ đô la Mỹ, tức tăng gần 35% trong 5 năm (nguồn: Saigon Times).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đến giờ phút này, nông nghiệp hữu cơ vẫn chỉ là sân chơi dành cho người giàu, xét trên cả người bán lẫn người mua. Thực tế, trên thị trường Việt Nam (đặc biệt tại các đô thị lớn), sản phẩm gắn mác hữu cơ vẫn đang được bán với giá cao hơn ít nhất 50% so với sản phẩm cùng loại không có mác hữu cơ và những người thu nhập cao mới có khả năng mua sản phẩm dán mác này. Tại các nước như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc (3 thị trường hữu cơ phát triển nhất, trong đó Mỹ chiếm gần 50% doanh thu sản phẩm hữu cơ toàn cầu), sản phẩm hữu cơ cũng chủ yếu do người tiêu dùng thu nhập khá tiêu thụ. Tại diễn đàn nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ cần thực hiện nhiều chính sách và nghiên cứu nhiều hướng làm để thực phẩm sạch, trong đó có hữu cơ, về lâu dài phải dành cho số đông thì mới bền vững được.

Mặc dù vậy, trước mắt sản phẩm hữu cơ dường như không dành cho người nghèo. Nói về sản xuất theo hướng hữu cơ, nhiều người biết đến câu chuyện gạo hữu cơ Hoa Sữa của doanh nhân Võ Minh Khải, người từ năm 2009 đã lập Công ty Viễn Phú, quay về Cà Mau làm lúa sạch và xây dựng nên thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa với cánh đồng lúa hữu cơ rộng hơn 300 hécta ở Cà Mau. Nhưng đáng tiếc là ngay tại lúc này, gạo hữu cơ Hoa Sữa cũng đang gặp khó khăn về khâu tiêu thụ và khó mà nói là người đầu tư đã có lời dù bỏ rất nhiều vốn liếng và công sức. Ở quy mô nhỏ hơn, không ít doanh nghiệp sau một thời gian theo đuổi nông nghiệp hữu cơ đã phải dừng bước trước nhiều khó khăn: vốn ít, thị trường hẹp, kênh phân phối thiếu thốn… Ngay cả việc chứng nhận quy trình sản xuất và sản phẩm của mình là hữu cơ, doanh nghiệp cũng phải gửi mẫu đất, nước, hạt giống… ra nước ngoài và nhờ các cơ quan trung gian nộp hồ sơ vì Việt Nam đến lúc này vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ trong nước. Vậy nên trong ngắn hạn, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có lẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, dù Chính phủ đã bắt đầu quan tâm phát triển.                                                                                                          

Vi Lâm

Tin xem nhiều