Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp: biết mình, biết người

07:12, 26/12/2017

Từ sau chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây 2 năm về việc mong muốn biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp, đến nay cụm từ này xuất hiện khắp mọi nơi, từ gameshow truyền hình đến các diễn đàn, chương trình hoạt động của Đoàn, Hội...

Từ sau chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây 2 năm về việc mong muốn biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp, đến nay cụm từ này xuất hiện khắp mọi nơi, từ gameshow truyền hình đến các diễn đàn, chương trình hoạt động của Đoàn, Hội... Trên kệ sách, chưa bao giờ sách dạy khởi nghiệp, dạy làm giàu lại phong phú và bán chạy như hiện tại.

Điều đáng mừng là hiện tại các nguồn lực tài trợ cho khởi nghiệp đang phong phú hơn bao giờ hết. Vốn liếng tài trợ khởi nghiệp đến từ các quỹ đầu tư với khả năng tài trợ đầu tư lên đến nhiều triệu USD, vốn từ các ngân hàng, vốn từ những doanh nghiệp lớn, từ các cá nhân, các quỹ của Hội, Đoàn dưới sự tài trợ của các doanh nhân... Mặc dù vậy, số dự án khởi nghiệp “gọi” được vốn cũng không nhiều, đặc biệt là những dự án “gọi” được số vốn lớn. Bởi đa phần các dự án khởi nghiệp cũng đang luẩn quẩn, manh mún mà chưa đưa ra được phương án kinh doanh thích hợp nhằm thuyết phục nhà đầu tư.

Một chuyên gia chia sẻ trên tờ Doanh nhân Sài Gòn về việc gọi vốn của các dự án khởi nghiệp, cho thấy các quỹ đầu tư lớn thường không quá hứng thú với những dự án khởi nghiệp còn đang loay hoay thử nghiệm sản phẩm mà muốn tập trung vào dự án khởi nghiệp đã có sẵn lượng khách hàng tương đối, tăng trưởng ổn định, có doanh thu... để rót vốn. Những dự án nhận đầu tư dạng này có thể kể đến: Momo (28 triệu USD), GotIt! (9 triệu USD), VnTrip (3 triệu USD), Kyna.vn, batdongsan.com, Triip.me, Beeketing, OnOnPay, iMap, Fundy, Meete, MimosaTek, Vooy,...

Mặt khác, do được sự hậu thuẫn từ Chính phủ, “hệ sinh thái” dành cho khởi nghiệp cũng đang dần tốt lên. Các chính sách hỗ trợ dành cho những người làm ăn mới cũng dần thông thoáng, bớt nặng nề hơn so với nhiều năm trước.

Nhưng chưa nhiều người đặt vấn đề là bao nhiêu nguồn lực sẽ bị lãng phí một khi khởi nghiệp trở nên “quá đà”, khi thất bại luôn nhiều hơn những câu chuyện thành công? Nhiều thống kê chưa chính thức đưa ra con số khởi nghiệp thành công rất ít ỏi, với tỷ lệ khoảng trên dưới 10% so với con số khởi đầu. Nếu nhìn vào số doanh nghiệp thành lập mới cũng như số doanh nghiệp giải thể sau vài năm, con số này cũng không cao hơn là bao. Nhiều doanh nhân chia sẻ, khởi nghiệp là đáng khuyến khích, song khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng cho tất cả mọi người. Khởi nghiệp chỉ phù hợp với những người có những hiểu biết, kinh nghiệm và bản lĩnh nhất định. Chính vì vậy, trước khi tham gia vào khởi nghiệp, yếu tố đầu tiên chưa phải là phương án hay triển vọng kinh doanh, hay vốn liếng, mà phải là “biết mình, biết người”. Người khởi nghiệp phải trả lời câu hỏi vì sao khởi nghiệp và dự án khởi nghiệp đó có những gì thuyết phục từ kinh nghiệm, bản lĩnh, hiểu biết của chính người làm nên nó? Khi và chỉ khi nhà đầu tư tin tưởng vào cá nhân người khởi nghiệp, vốn liếng mới dễ dàng hơn. Dù chưa thể khẳng định thành công hay thất bại, song mời gọi được nhà đầu tư kể như cũng là một bước tiến lớn trong chặng đường khởi nghiệp chông gai.

Vi Lâm

Tin xem nhiều