Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ chính mình

10:04, 16/04/2018

Một trong những hành vi quan trọng nhưng thường bị bỏ qua nhiều nhất khi người tiêu dùng bỏ tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đọc kỹ bản hợp đồng thỏa thuận. Hiện tại, rất nhiều nhà sản xuất - kinh doanh khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đều có hợp đồng kèm theo để ràng buộc trách nhiệm bên bán - bên mua khi xảy ra sự cố.

Một trong những hành vi quan trọng nhưng thường bị bỏ qua nhiều nhất khi người tiêu dùng bỏ tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đọc kỹ bản hợp đồng thỏa thuận. Hiện tại, rất nhiều nhà sản xuất - kinh doanh khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đều có hợp đồng kèm theo để ràng buộc trách nhiệm bên bán - bên mua khi xảy ra sự cố. Từ vay tiền, gửi tiền tại các ngân hàng đến các hợp đồng bảo hiểm, mua xe, mua nhà, mua đất, đặt phòng khách sạn, đăng ký sử dụng điện, nước, internet... hầu như đều có hợp đồng mua bán kèm theo với các điều khoản tương đối rõ ràng. Trong đó, hợp đồng quy định luôn cả trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người bán - người mua mà chỉ cần đọc kỹ, tuân thủ đúng, sẽ hạn chế nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, thực tế khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ, không nhiều người chịu đọc kỹ hợp đồng và đối chiếu những điều khoản, chi tiết trong hợp đồng với thực tế. Đơn cử, rất nhiều người mua chung cư hoặc nhà xây sẵn, song đa số chỉ kiểm tra sơ sài các điều khoản liên quan đến an toàn như: cháy, nổ, ngập nước, hư hỏng thiết bị... dù đó chính là những điều khoản thiết thân với đời sống hàng ngày. Tương tự, khi vay tiền nhiều khách hàng cũng không đọc kỹ các điều khoản về tăng - giảm lãi suất, các quy định của phía cho vay khi thanh lý khoản vay trước hạn, số tiền phải nộp khi trễ hạn đóng tiền lãi suất... Khi mua bảo hiểm, các điều khoản quan trọng như: danh mục về các loại bệnh được chi trả tiền bảo hiểm, lãi suất tính trên số tiền đóng, các khoản phạt khi thanh lý hợp đồng trước hạn... cũng dễ bị bỏ qua.

Ở những quốc gia phát triển, mọi hành vi tiêu dùng, mua bán đều được luật hóa thông qua hợp đồng mua - bán hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ. Người bán và người mua có trách nhiệm đọc kỹ và trao đổi kỹ về các điều khoản trong hợp đồng. Về bản chất, hợp đồng này thường có tác dụng khi phát sinh những điều không vừa ý giữa 2 bên trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Điều này cũng không còn mới mẻ tại Việt Nam, song phần lớn phổ biến ở những món hàng có giá trị lớn hoặc các dịch vụ có tính sử dụng lâu dài. Mặc dù vậy, rất nhiều người tiêu dùng vẫn không dành thời gian cần thiết để xem xét kỹ các điều khoản kèm theo hàng hóa, dịch vụ dù họ là người bỏ tiền mua. Trong thực tế một tỷ lệ không nhỏ các vụ kiện về chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ đến Hội Tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tòa án, đều xuất phát từ việc 2 bên không đọc và trao đổi kỹ các thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hoặc tệ hơn người bán không cung cấp và người mua thậm chí không nhìn đến bản hợp đồng.

Trong thời điểm thị trường trong nước đang dần mở rộng cửa... hết cỡ, hàng hóa và dịch vụ ngoại nhập tràn vào, các yếu tố tiêu cực trong mua bán hàng hóa, dịch vụ cũng tràn theo, do đó sửa đổi thói quen từ những hành vi nhỏ nhất: kiểm tra kỹ hàng hóa, đòi hỏi hóa đơn - hợp đồng, trao đổi kỹ các thỏa thuận giữa 2 bên... khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ, là hành động bảo vệ chính mình của người tiêu dùng Việt.

Vi Lâm

Tin xem nhiều