Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không còn các dự án 'ma'

09:11, 28/11/2019

Thời gian qua, tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác liên tục diễn ra tình trạng các công ty bất động sản lợi dụng kẽ hở của Luật Kinh doanh bất động sản để rao bán hàng loạt dự án "ma". Nhiều người dân đã bị dụ mua phải đất nền không có thực, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và cơ hội lấy lại rất khó khăn.

Thời gian qua, tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác liên tục diễn ra tình trạng các công ty bất động sản lợi dụng kẽ hở của Luật Kinh doanh bất động sản để rao bán hàng loạt dự án “ma”. Nhiều người dân đã bị dụ mua phải đất nền không có thực, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và cơ hội lấy lại rất khó khăn.

Khu đất được Công ty cổ phần địa ốc Alibaba rao bán đất nền “ảo”  tại xã Long Phước (huyện Long Thành).
Khu đất được Công ty cổ phần địa ốc Alibaba rao bán đất nền “ảo” tại xã Long Phước (huyện Long Thành). Ảnh tư liệu

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ ra những kẽ hở khiến tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành và tạo thành các cơn “sốt” đất ảo, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản chỉ điều chỉnh những hành vi kinh doanh bất động sản từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng, song lại thiếu điều chỉnh những hành vi xảy ra trước thời điểm ký kết hợp đồng kinh doanh bất động sản. Trong luật quy định loại hình dự án, song lại thiếu các quy định về tình trạng phân lô bán nền không hình thành dự án.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản còn tồn tại kẽ hở rất lớn là không quy định rõ ràng về đặt cọc khi mua bán, chuyển nhượng đất nền. Lợi dụng bất cập trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bán đất nền hình thành trong tương lai bằng hình thức: Hợp đồng góp vốn, Hợp đồng hợp tác đầu tư, Hợp đồng đặt cọc giữ chỗ... theo quy định của Luật Dân sự. Nhiều khách hàng đã cả tin đặt cọc với số tiền lớn dẫn đến rủi ro rất cao. Đơn cử như vừa qua, Công ty cổ phần bất động sản Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) đã vẽ ra hơn 40 dự án “ma” tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận lừa 6,7 ngàn khách hàng với số tiền 2,5 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, còn không ít công ty bất động sản khác cũng lợi dụng kẽ hở trong Luật Kinh doanh bất động sản để phân lô bán nền trái phép theo kiểu lập vi bằng khiến những người mua nhầm tưởng đây là cơ sở pháp lý để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tương lai.

Theo các chuyên gia về bất động sản, để quản chặt tình trạng phân lô bán nền trái phép, bán đất nền dự án “ma” thì Luật Kinh doanh bất động sản nên có điều chỉnh, bổ sung thêm các quy định chặt chẽ về đặt cọc chuyển nhượng đất nền dự án trong tương lai. Đồng thời, trong luật cũng phải quy định cụ thể, rõ ràng về việc phân lô bán nền không hình thành dự án.

Để hạn chế tình trạng dự án “ma” trên địa bàn thì phía chính quyền UBND cấp huyện, xã phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp doanh nghiệp, nhóm người lợi dụng các kẽ hở trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai để tách thửa, phân lô bán nền trái phép và huy động vốn cho những dự án “ma” trên địa bàn. Nếu các địa phương quản lý chặt về đất đai thì sẽ kịp thời ngăn chặn được các dự án không có thực và tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp. Như vậy, tình trạng xây dựng trái phép cũng được hạn chế, sẽ không dẫn đến tình trạng hình thành những khu dân cư tự phát, lụp xụp phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hương Giang

Tin xem nhiều