Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ tài chính

09:03, 26/03/2020

Hiện nay, nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu dùng đang ngày càng tăng với nhiều kiểu dịch vụ hỗ trợ tài chính khác nhau của các công ty tài chính. Bên cạnh những lợi ích mang lại, một số vấn đề phát sinh từ sự "biến tướng" của hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ tài chính… của một số công ty tài chính như: lãi suất bị đẩy lên quá cao so với lãi suất vay tiêu dùng phổ biến, thu thêm nhiều loại phí bất hợp lý, nhắc nợ, "khủng bố" đòi nợ dưới nhiều hình thức…

Hiện nay, nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu dùng đang ngày càng tăng với nhiều kiểu dịch vụ hỗ trợ tài chính khác nhau của các công ty tài chính. Bên cạnh những lợi ích mang lại, một số vấn đề phát sinh từ sự “biến tướng” của hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ tài chính… của một số công ty tài chính như: lãi suất bị đẩy lên quá cao so với lãi suất vay tiêu dùng phổ biến, thu thêm nhiều loại phí bất hợp lý, nhắc nợ, “khủng bố” đòi nợ dưới nhiều hình thức…

Cơ chế kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay chưa chặt chẽ (ảnh minh họa) Ảnh: T.L
Ảnh minh họa

Từ ngày 1-1-2020, nhiều quy định mới trong việc tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các công ty tài chính chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Thông tư 19/2019/TT-NHNN năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là thông tư mới nhất quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Điểm đáng lưu ý của thông tư này là ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh ở các tỉnh, thành phố được quyền phối hợp cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức, hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn.

Thông tư này sẽ giúp việc quản lý được sát sườn, cụ thể theo địa bàn hơn, nâng cao thẩm quyền quản lý của ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh ở các tỉnh, thành phố đối với mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Bởi, hiện nay phần lớn các công ty tài chính, đơn vị cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp có trụ sở tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM…

Ngoài ra, còn có Thông tư 18/2019/TT-NHNN năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Thông tư này quy định công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, đồng thời thông báo rõ ràng trong hợp đồng về các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Đặc biệt, các công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Các văn bản, thông tư nói trên sẽ góp phần xử lý nhiều bất cập, vướng mắc liên quan trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường phát triển bền vững cho các công ty tài chính.

Song song đó, để hạn chế những biến tướng của “tín dụng đen”, ngành Ngân hàng cần triển khai đa dạng hơn các sản phẩm tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống người dân, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống… để người dân thuận tiện hơn khi tiếp cận các kênh vay vốn với lãi suất phù hợp, đúng quy định.        

Hoàng Hải

Tin xem nhiều