Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì để đón làn sóng đầu tư mới?

10:05, 18/05/2020

Tương đối thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là một điểm đến an toàn về thương mại - đầu tư của thế giới. Trong bối cảnh các tập đoàn, doanh nghiệp, nhiều quốc gia đang có xu hướng rời Trung Quốc, dịch chuyển nhà máy để đa dạng hóa thị trường đầu tư, các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những nước được lợi từ xu hướng này.

Tương đối thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là một điểm đến an toàn về thương mại - đầu tư của thế giới. Trong bối cảnh các tập đoàn, doanh nghiệp, nhiều quốc gia đang có xu hướng rời Trung Quốc, dịch chuyển nhà máy để đa dạng hóa thị trường đầu tư, các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những nước được lợi từ xu hướng này.

Việt Nam có sự đồng thuận của người dân với Chính phủ trong chiến dịch phòng, chống dịch; đồng thời, môi trường chính trị, xã hội ổn định. Việt Nam lại là nước năng động khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn.

Nhưng, ngày càng có nhiều sự quan tâm về Việt Nam không phải là lúc nào cũng hoàn toàn có lợi. Không nhanh chân, rất có thể chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội từ làn sóng mới này. Nhiều đối thủ “nặng ký” khác đang nóng lòng tiếp cận và lôi kéo các tập đoàn lớn vào nước mình.

Trước hết phải kể đến Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới, thị trường lớn tiềm năng xếp ngay sau Trung Quốc. Tháng 4, Chính phủ Ấn Độ đã đưa một loạt ưu đãi để lôi kéo hơn 1 ngàn công ty Mỹ rời Trung Quốc. Nước này ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi. Ấn Độ cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi pháp luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử... để tạo thêm sức hấp dẫn.

Tương tự là các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng là những thị trường tiềm năng, có nền tảng kinh tế tốt hơn Việt Nam. Những quốc gia này cũng đang nỗ lực để dịch chuyển dòng chảy đầu tư về phía mình.

Một vấn đề nữa là không phải lĩnh vực nào Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận thời cơ mà không chịu thách thức. Ngành công nghiệp hỗ trợ là một ví dụ. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là ngành rất quan trọng trong chuỗi liên kết kinh tế, cung ứng hàng hóa của thế giới nhưng nền tảng sản xuất của Việt Nam đang ở mức thấp, chưa thực sự sẵn sàng để nhận chuyển giao công nghệ. Rất ít công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng chuyển đến từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.

Để có thể đón nhận làn sóng đầu tư mới, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách thay đổi. Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã được thông qua, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI “sạch”, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, những chuyển động về cải cách thể chế, mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong Asean đang được đẩy mạnh. Các cải cách này phải được làm nhanh, vừa thông thoáng thu hút vốn FDI, vừa chăm chút cho thị trường nội địa để tránh phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nước ngoài và gặp trở ngại khi “đứt gãy” mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng.

Văn Gia

Tin xem nhiều