Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị nguồn lực để khai thác lợi thế từ các dự án giao thông

08:09, 21/09/2020

Thời gian tới có thể nói là thời điểm sôi động của các dự án về hạ tầng giao thông trên địa bàn Đồng Nai. Vào tháng 10 tới, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một trong 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ khởi công xây dựng. Bước sang năm 2021, "siêu" dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, dự án giao thông trọng điểm quốc gia còn lại cũng sẽ được khởi công.

Thời gian tới có thể nói là thời điểm sôi động của các dự án về hạ tầng giao thông trên địa bàn Đồng Nai. Vào tháng 10 tới, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một trong 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ khởi công xây dựng. Bước sang năm 2021, “siêu” dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, dự án giao thông trọng điểm quốc gia còn lại cũng sẽ được khởi công.

Đối với quy mô cấp tỉnh, hàng loạt dự án giao thông cũng sẽ được khởi công trong thời gian tới như dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, Hương lộ 2 nối dài...

Việc hàng loạt dự án giao thông sẽ được khởi công xây dựng chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất là ý nghĩa về mặt kết nối giao thông. Lâu nay, những hạn chế trong kết nối giao thông đã được chỉ rõ chính là nguyên nhân khiến cho Đồng Nai chưa phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của địa phương nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài vai trò kết nối, các dự án giao thông sắp được khởi công, nhất là 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia còn được đánh giá sẽ tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng Nai lâu nay vẫn được xem là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước. Hiện nay, tỉnh là địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Thời gian tới, khi có thêm một số khu công nghiệp sẽ được mở mới, phát triển công nghiệp vẫn được xem là thế mạnh của Đồng Nai. Tuy nhiên, xét về lâu dài, khi dư địa về đất đai, nguồn lao động ngày càng hạn chế thì thế mạnh về phát triển công nghiệp cũng sẽ dần “bão hòa”.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ bất động sản chính là hướng phát triển mang tính lâu dài và bền vững.

Với lợi thế lớn nằm “sát vách” đô thị, trung tâm dịch vụ tài chính, kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM, việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng. 

Những tiềm năng đó, tất nhiên sẽ được tiếp thêm động lực nhờ các dự án hạ tầng giao thông sắp được triển khai thực hiện. Do đó, bên cạnh việc tập trung xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và các dự án giao thông liên kết vùng, tỉnh cũng cần chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi các dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác.

Đơn cử như dự án Sân bay Long Thành. Khi hoàn thành xây dựng, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa phục vụ việc vận chuyển hành khách, hàng hóa mà “siêu” sân bay này sẽ mở ra cơ hội để phát triển hệ thống đô thị, logistics, bất động sản… Tương tự, các dự án giao thông khác cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển các lĩnh vực trên. Chính vì vậy, việc đánh giá kỹ và có sự chuẩn bị tốt sẽ giúp tỉnh nắm bắt nhanh và khai thác tối đa hiệu quả mà các dự án này mang lại.

Lê Văn

Tin xem nhiều