Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chỉ là con số

08:10, 05/10/2020

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng của năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng của năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%. Như vậy, xuất siêu của cả nước trong 9 tháng qua lên tới gần 17 tỷ USD, một con số kỷ lục từ trước đến nay, ngay cả năm 2019 khi đạt thặng dư cao nhất cũng chỉ đạt 9,9 tỷ USD. Riêng tại Đồng Nai, trong 9 tháng qua, xuất siêu hơn 3 tỷ USD cũng là rất ấn tượng.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tiếp tục góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng.
Hàng hóa xuất nhập khẩu tiếp tục góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng.

Số liệu phân tích sâu hơn cho thấy, không phải các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà khu vực kinh tế trong nước đang là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, về phía khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, chiếm 64,6% nhưng lại giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Việc duy trì được xuất siêu mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Xuất siêu lớn giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Từ đó, khả năng can thiệp của cơ quan điều hành cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, bức tranh xuất nhập khẩu cũng “đảo chiều” với sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực DN trong nước. Những năm trước, cán cân xuất nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào các DN FDI, xuất khẩu của khối này luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối trong nước thì năm 2020 gió đã đổi chiều.

Vẫn biết, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI sở dĩ tăng chậm là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các thị trường thế giới lớn hơn, đặc biệt là ngay tại những nước đang đầu tư ở Việt Nam song cũng không thể phủ nhận sự vươn lên của khối DN trong nước. Càng về cuối năm, xuất siêu càng cao chứng tỏ DN trong nước đang tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8.

Không chỉ là con số thống kê để làm đẹp các báo cáo mà thông qua đó có thể thấy được “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam. Dù trước mắt, những kết quả trên là rất ấn tượng so với các quốc gia cùng khu vực, song “đường dài mới biết ngựa hay”. Điều quan trọng nhất là làm sao giữ được sự bền vững của cán cân xuất, nhập khẩu. Sức khỏe của nền kinh tế càng tốt hơn nữa khi xuất siêu tăng cao nhưng đồng thời nhập khẩu, nhất là những sản phẩm là đầu vào của công nghệp chế biến chế tạo không suy giảm về giá trị. Bởi suy cho cùng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu lại là cơ sở cho thấy sự phát triển thực của DN, của nền kinh tế.

Văn Gia

Tin xem nhiều