Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị sớm cho thị trường Tết

08:11, 23/11/2020

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu dịp Tết gia tăng sản xuất, tích trữ hàng hoá để chuẩn bị bán Tết.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu dịp Tết gia tăng sản xuất, tích trữ hàng hoá để chuẩn bị bán Tết. Cùng với đó, công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, bình ổn giá cả cũng phải được lên kế hoạch từ sớm.

Thông lệ những năm gần đây, dù nhu cầu thị trường Tết tăng cao đột biến so với ngày thường nhưng các nhiệm vụ nêu trên vẫn cơ bản được ổn định, giá cả thị trường giữ vững, không xảy ra xáo trộn trong việc điều hành, phân phối hàng hóa ra thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh của Tết Nguyên đán năm nay có nhiều điểm khác biệt khi mà đại dịch Covid-19 đã càn quét từ cuối năm ngoái tới nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trên thế giới. Dịch bệnh đã gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Do vậy, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết.

Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân nhưng cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn thế giới. GDP, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa tình hình thiên tai, bão lũ ở miền Trung, dịch tả heo châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái nhiễm đã và có thể tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Dự báo tình hình sẽ còn có những yếu tố bất lường, khó ngờ.

Trong bối cảnh đó, ngành Công thương cần gia tăng trách nhiệm phối hợp theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao hoặc có biến động về giá để chủ động phương án bảo đảm ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Cùng với ngành chức năng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại chung tay xây dựng kế hoạch của mình, phù hợp với sự điều tiết của tỉnh và nhu cầu thị trường.

Chuẩn bị từ sớm là giải pháp tốt nhất để hạn chế những tác động tiêu cực, giúp người dân đón một cái Tết an toàn và cũng là giúp cho doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm sau.

Văn Gia

Tin xem nhiều