Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo hạt vi nhựa

10:06, 28/06/2021

Hiện nay, nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, trong thực phẩm, không khí, nước và đại dương của chúng ta. Vì sự tiện dụng, nhựa đã được con người chế tạo ra hàng loạt vật dụng để phục vụ cuộc sống, tuy nhiên ngày càng có quá nhiều vi chất nhựa được thải ra môi trường, gây tác hại về lâu dài.

Hiện nay, nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, trong thực phẩm, không khí, nước và đại dương của chúng ta. Vì sự tiện dụng, nhựa đã được con người chế tạo ra hàng loạt vật dụng để phục vụ cuộc sống, tuy nhiên ngày càng có quá nhiều vi chất nhựa được thải ra môi trường, gây tác hại về lâu dài. Rác thải nhựa đang là mối quan tâm của toàn thế giới, trong đó có mối lo về sức khỏe con người. Theo một nghiên cứu tại Hà Lan về vi nhựa trong không khí, nước, muối và thủy hải sản năm 2018 cho thấy, con người vô tình ăn hàng chục đến hơn 100 ngàn hạt vi nhựa mỗi ngày và một tuần có đến 5g, tương đương một muỗng cà phê vi nhựa được đưa vào cơ thể con người. Về lâu dài, sự tích tụ vi nhựa trong cơ thể con người có thể gây nên những tác hại đối với sức khỏe. Tuy vậy, vấn đề này đến nay vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Tại Việt Nam, hạn chế rác thải nhựa đang là “chiến dịch” được các cấp, các ngành quan tâm, trong đó có việc vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thực sự thành công trong việc phân loại rác thải tại nguồn do nhiều nguyên nhân. Từ việc thiếu cơ sở hạ tầng, quản lý chất thải rắn, xe phân loại, do hệ thống xử lý rác thải và chưa có khung pháp lý về các chế tài xử phạt. Điều này gây khó khăn trong việc phân loại rác thải tiêu hủy, rác thải chôn lấp, dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường sống.

Nhận thấy tác động của rác thải, nhất là rác thải nhựa đối với đời sống và sự phát triển bền vững, ngày
20-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, một trong những giải pháp là tăng cường nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ny-lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón... Ban hành các quy chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa nhựa tái chế bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với túi ny-lông thân thiện môi trường và các sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế nhất định.

Tuy nhiên, để hạn chế mức độ ô nhiễm vi nhựa một cách căn cơ, bền vững thì bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật về môi trường, các chế tài xử lý, điều quan trọng vẫn là sự tự giác thay đổi ý thức, hành vi của mỗi người dân. Chỉ khi tạo được sự đồng thuận và nâng cao được nhận thức từ người dân thì mục tiêu giảm thiểu vi nhựa, rác thải đối với môi trường mới đạt hiệu quả cao.

Văn Gia

Tin xem nhiều