Báo Đồng Nai điện tử
En

Để bớt phụ thuộc nguồn thu từ đất đai

07:07, 05/07/2021

Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, việc sử dụng nguồn tài nguyên đó như thế nào cho hiệu quả trong hoạt động kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế.

Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, việc sử dụng nguồn tài nguyên đó như thế nào cho hiệu quả trong hoạt động kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế.

Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước tại Việt Nam hiện nay, nguồn thu từ đất đai đang có vai trò quan trọng, đặc biệt là nhìn từ cấp độ thu ngân sách tại các địa phương. Trong nguồn thu về đất đai thì việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, đây không phải là khoản thu bền vững bởi vì toàn bộ nguồn thu này là khoản thu một lần và được thu khi Nhà nước giao đất hoặc bán nhà.

Theo các chuyên gia về kinh tế, khi xem xét cấu trúc các khoản thu về đất đai, có thể nhận thấy có một số bất ổn. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước là các nguồn thu một lần. Trong 3 nguồn này, tiền sử dụng đất là nguồn quan trọng nhất. Bằng cách giao đất cho các cá nhân và các tổ chức khác, Nhà nước đang thực hiện việc bán quyền tài sản của mình cho người sử dụng đất. Điều này tương tự như nguồn thu một lần từ việc cổ phần hóa và bán doanh nghiệp nhà nước.

Chắc chắn nguồn thu này sẽ giảm khi nhiều đất được phân bổ cho khu vực tư nhân và cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu thu ngân sách những năm tiếp theo. Đến một giai đoạn nào đó, đây cũng sẽ chính là bài toán nan giải cho các nhà quản trị chính sách, lãnh đạo, địa phương và cả người dân trong tương lai.

Bên cạnh việc còn phụ thuộc vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác tài nguyên thì mặc dù đã tăng trưởng quy mô nguồn thu liên tục trong những năm qua, cơ cấu thu ngân sách quốc gia vẫn còn những bất cập. Cơ cấu các nguồn thu nội địa còn dựa nhiều vào các khoản thu có tính bền vững không cao. Hơn nữa, dư địa tăng thu của ngân sách hiện nay có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững càng trở nên cấp thiết.

Và giải pháp được nói tới nhiều nhất là thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, gia tăng quy mô GDP một cách bền vững. Muốn làm được điều đó, chắc chắn việc cải thiện môi trường kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất... Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách; tăng kim ngạch xuất khẩu đi đôi với đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tính toán hiệu quả cơ cấu thu - chi ngân sách, dành ưu tiên cho chi đầu tư phát triển, tiết giảm chi thường xuyên là những vấn đề đáng lưu tâm.

Văn Gia

Tin xem nhiều