Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nông dân đưa hàng lên sàn thương mại điện tử

11:07, 19/07/2021

6 tháng đầu năm 2021, có 7.987 hộ sản xuất bán hàng lên sàn thương mại điện tử (tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020), với 14.594 sản phẩm được bày bán (tăng 268% so với cùng kỳ) và tổng giá trị 944 tỷ (tăng 293% so với cùng kỳ).

6 tháng đầu năm 2021, có 7.987 hộ sản xuất bán hàng lên sàn thương mại điện tử (tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020), với 14.594 sản phẩm được bày bán (tăng 268% so với cùng kỳ) và tổng giá trị 944 tỷ (tăng 293% so với cùng kỳ).

Đó là con số tích cực được công bố tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ TT-TT. Năm 2021, lần đầu tiên có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương thông qua việc thúc đẩy doanh nghiệp ngành bưu chính hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử.

Con số chính thức ấy được thống kê chỉ trong các sàn thương mại điện tử do các DN thuộc ngành Bưu chính viễn thông điều hành, nó còn khiêm tốn nếu chúng ta tính toán tới việc người dân, doanh nghiệp sử dụng các mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử khác.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, giao thông đi lại, tiếp xúc hạn chế thì đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử lại càng cần thiết. Từ bao lâu nay, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn quanh quẩn điêp khúc được mùa - mất giá, được giá - mất mùa hay khi có những biến động lớn từ thị trường, thiên tai, dịch bệnh thì hàng hóa nông sản của người nông dân lại dồn ứ, tiêu thụ chậm, nền sản xuất vì thế không “lớn lên” được.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử có thể nói đang mở ra một cách làm rất thiết thực để hàng hóa, nông sản của người dân có thể tiếp cận nhanh nhất tới khách hàng, bỏ bớt các khâu trung gian vừa làm giá cả hàng hóa bị đội lên vừa tạo ra nghịch lý hàng bán ra ban đầu giá thấp nhưng tới tay khách hàng thì lại cao.

Việc đưa nông sản bán online cũng sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, từ đó nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Không chỉ bán trong nước, các kênh thương mại điện tử cũng là giải pháp hay để quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường nước ngoài.

Vấn đề là cùng với các kết quả ban đầu ấy thì việc thay đổi tập tục, thói quen sản xuất không phải ngày một ngày hai mà có được. Đây đang là thách thức với chính các HTX, hộ sản xuất, bà con nông dân khi chưa có kinh nghiệm kinh doanh qua môi trường điện tử.

Trong khi đó, muốn bán hàng qua sàn thì yêu cầu đầu tiên là hộ sản xuất, HTX phải kiên định mục tiêu mà mình theo đuổi về chất lượng, mẫu mã, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ với khách hàng online. Để thay đổi được điều này rất cần có sự chung tay từ ngành Công thương cho tới các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng như sự dấn thân, thử nghiệm và thay đổi của các mô hình sản xuất của người dân.

Văn Gia

Tin xem nhiều