Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy là người bạn lớn của con

10:08, 15/08/2018

hồng tôi làm chủ thầu xây dựng, thường xuyên vắng nhà. Tôi có 2 con đều đang tuổi lớn, con trai đầu 16 tuổi, con gái út 14 tuổi. Tôi nghĩ đây là lứa tuổi dậy thì, các cháu rất cần sự quan tâm định hướng của cha mẹ để không bị mắc sai lầm. Nhưng sự quan tâm của tôi luôn làm các con khó chịu, hay cãi lại.

Thưa chị Tâm Đan!

Chồng tôi làm chủ thầu xây dựng, thường xuyên vắng nhà. Tôi có 2 con đều đang tuổi lớn, con trai đầu 16 tuổi, con gái út 14 tuổi. Tôi nghĩ đây là lứa tuổi dậy thì, các cháu rất cần sự quan tâm định hướng của cha mẹ để không bị mắc sai lầm. Nhưng sự quan tâm của tôi luôn làm các con khó chịu, hay cãi lại. Cả 2 cháu đều cho là mẹ khó tính, hay nghi ngờ, không tin các con. Tuy hiện giờ các cháu vẫn hay kể cho mẹ nghe những chuyện ở trường, ở lớp, nhưng  chuyện của bản thân thì chúng ngậm tăm. Tôi rất lo vì các con lúc nhỏ đều ngoan, dễ bảo, nhưng lớn lên cháu nào cũng hay nói dối. Người ta vẫn bảo phụ huynh phải làm bạn với con thì mới dạy dỗ con tốt, nhưng nếu mình quá dễ dãi biết đâu trẻ sẽ “lờn”.  Mong chị chia sẻ.

                                          Nguyễn Thị Mai

Thân gửi bạn Mai!

Bạn nói đúng, các con bạn đang tuổi dậy thì, rất cần sự quan tâm, định hướng của cha mẹ. Nhưng quan tâm không phải là “giữ chặt” con ở bên mình bạn. Theo tôi thì bạn cứ mạnh dạn... thả lỏng con đi. Các cháu sắp lớn cả rồi, chúng có quyền kiểm soát cuộc sống riêng của chúng, đừng can thiệp vào nhất cử nhất động của con. Dĩ nhiên, bạn nên theo dõi, giám sát việc làm của con, để tránh việc chúng có thể hút thuốc, uống rượu hay tìm đến ma túy… nhưng theo sát con phải theo cách kín đáo, khéo léo, để trẻ không cảm thấy chúng bị giam lỏng trong nhà. Bạn đừng quá bận tâm về chuyện con hay cãi lại, không nghe lời. Lũ trẻ tuổi teen đứa nào chẳng hay cãi lại cha mẹ, vì chúng có 1001 điều quan tâm khác với cha mẹ, hơn nữa chúng đang muốn tự khẳng định mình.

Theo tôi, cha mẹ “làm bạn” với con nghĩa là phải tạo dựng được sự thân mật, gần gũi với đứa trẻ, đủ để chúng sẵn sàng “dốc bầu tâm sự”, nhờ đó cha mẹ dễ bề dẫn dắt trẻ. Nhưng làm bạn không có nghĩa là cha mẹ và con cái cư xử với nhau theo kiểu “cá mè một lứa”, vì cha mẹ vẫn phải giữ uy quyền, nếu đấng sinh thành không có uy quyền, con sẽ không nghe lời. Có thể việc các cháu nói dối là để che đậy việc làm mà chúng tự biết là sai hoặc không được cha mẹ ủng hộ. Bạn đừng quá lo, trẻ nói dối trong tuổi dậy thì không có nghĩa là sau này chúng sẽ trở thành những kẻ dối trá, lọc lừa. Nếu cha mẹ là những người trung thực trong mối quan hệ với mọi người thì con cái lớn lên cũng sẽ là những con người trung thực, bạn ạ.

Chúc bạn may mắn!                                           

Tâm Đan

Tin xem nhiều