Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để "nghị quyết một đằng, triển khai một nẻo"

11:03, 04/03/2018

Không khó nhận thấy trong nhiều hội nghị triển khai, học tập chỉ thị, nghị quyết, sau giờ nghỉ giải lao hội trường thường có những khoảng trống "ngót" người dự. Hoặc chỉ cần điểm danh xong, nhiều cán bộ liền xách cặp ra về với lý do chủ yếu "giải quyết gấp việc rất quan trọng ở cơ quan".

Không khó nhận thấy trong nhiều hội nghị triển khai, học tập chỉ thị, nghị quyết, sau giờ nghỉ giải lao hội trường thường có những khoảng trống “ngót” người dự. Hoặc chỉ cần điểm danh xong, nhiều cán bộ liền xách cặp ra về với lý do chủ yếu “giải quyết gấp việc rất quan trọng ở cơ quan”.

Tỷ lệ phần trăm cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là một chỉ tiêu bình xét, chấm điểm hàng năm của các tổ chức cơ sở Đảng. Tỷ lệ này hầu hết đều đạt cao, thậm chí có nơi luôn là 99-100%, đạt điểm tuyệt đối. Thế nhưng, nếu có một cuộc khảo sát ngẫu nhiên, “test” lại cán bộ, đảng viên về việc trong năm đã tham gia học tập, quán triệt những chỉ thị, nghị quyết nào, chắc chắn nhiều người sẽ không trả lời được. Thậm chí cá biệt ở một số tổ chức cơ sở Đảng, đến giờ này vẫn còn nhầm lẫn nghị quyết này với chỉ thị kia, dẫn đến việc triển khai thực hiện lúng túng, không đúng với yêu cầu, mục đích đề ra.

Học tập chính trị, nghị quyết là một yêu cầu bắt buộc của mỗi cán bộ, đảng viên trong các tổ chức cơ sở Đảng. Thế nhưng chưa phải ở đâu, nơi nào cũng đã thực hiện đúng nhiệm vụ quan trọng này mà nguyên nhân chủ yếu được xác định vẫn là do người học chưa xác định rõ được động cơ học tập, lười học, ngại nghiên cứu; người truyền đạt còn khô cứng, thiếu sinh động, hấp dẫn; tổ chức cơ sở Đảng chưa nghiêm túc trong việc triển khai… Vì vậy, dễ thấy hiện tượng các buổi học nghị quyết người đến học cho có, không ghi chép, vô tư lướt điện thoại, máy tính bảng, nói chuyện riêng. Người giảng cứ thao thao bất tuyệt mà không để ý đến thái độ tiếp thu của người học ra sao. Không hiếm chi bộ, Đảng bộ triển khai học tập nghị quyết cho đúng… chỉ đạo, thậm chí khai khống số lượng người học, ít quan tâm đến chất lượng học tập thực chất như thế nào. 

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ việc lười học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên là gốc của hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. 

Thực tế trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua cho thấy nhiều tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên đã vi phạm những nguyên tắc hết sức cơ bản của Đảng; triển khai, thực hiện sai nghị quyết của Đảng gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng trong nhân dân. Một trong những nguyên nhân được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ là do cán bộ, đảng viên lười học chính trị, nghị quyết dẫn đến hiện tượng nguy hiểm “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị”.

“Trị bệnh” lười học chính trị, nghị quyết không khó nhưng rất cần sự vào cuộc nghiêm túc, chặt chẽ của mỗi tổ chức cơ sở Đảng và đặc biệt là ý thức tự giác, chủ động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chỉ khi việc học chính trị, nghị quyết thực sự chất lượng, hiệu quả, nghị quyết của Đảng mới được thực hiện đúng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “nghị quyết một đằng, triển khai một nẻo”.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều