Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghèo mà xài sang?

10:03, 11/03/2018

Từ nhiều năm nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở Đồng Nai cũng như nhiều đô thị khác của cả nước được thực hiện chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, đơn giản chỉ vì lý do là dễ thực hiện, chi phí thấp.

Từ nhiều năm nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở Đồng Nai cũng như nhiều đô thị khác của cả nước được thực hiện chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, đơn giản chỉ vì lý do là dễ thực hiện, chi phí thấp. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là cần có diện tích đất lớn để làm bãi chôn lấp, dễ gây ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước. Việc chôn lấp rác thải còn gây lãng phí nếu như không tận dụng được phế liệu tái chế cũng như khí metan sinh ra trong quá trình phân hủy rác Vì thế, Đồng Nai và nhiều thành phố khác đều đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp rác bằng cách ứng dụng nhiều giải pháp xử lý rác khác nhau.

Thực tế, hiện nay có nhiều giải pháp xử lý rác hiện đại nhưng khó áp dụng tại Việt Nam. Chẳng hạn, ngay cả việc xử lý rác bằng cách chôn lấp nếu ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ khắc phục được các nhược điểm nêu trên, nhưng giá thành cao, người dân khó “kham” nổi. Ngoài ra còn có các giải pháp khác như: xử lý bằng công nghệ sinh học, biến rác hữu cơ thành phân bón phục vụ nông nghiệp; nghiền rác thải rắn thành vật liệu xây dựng phục vụ san lấp mặt bằng; đốt, tiêu hủy rác thải rắn, độc hại có thu hồi nhiệt để phục vụ sinh hoạt (sưởi ấm, đun nấu) hoặc phát điện phục vụ sản xuất… Nhưng các giải pháp này muốn thực hiện được đều đòi hỏi phải kết hợp với công đoạn phân loại rác tại nguồn - điều mà các đô thị lớn ở nước ta đã trầy trật triển khai từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa hiệu quả. Nếu không phân loại rác tại nguồn mà để đến công đoạn xử lý mới thực hiện phân loại vừa mất thời gian, vừa tăng mức độ ô nhiễm lại vừa làm tăng giá thành.

Ở các nước tiên tiến, chôn lấp, đốt, tiêu hủy rác thải… đều là hạ sách. Mô hình xử lý rác thải tối ưu được nhiều nước áp dụng hiện nay là “giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế”, bao gồm: giảm thiểu các hoạt động, hành vi sinh rác, tăng cường tái sử dụng và tái chế rác. TP.Adelaide (Úc), có 85% rác thải được tái chế, vì thế được đánh giá là một trong những thành phố có môi trường bền vững nhất. Luật của Đan Mạch thì cấm đốt những chất thải có thể tái chế được; 61% chất thải của các đô thị được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy biến chất thải thành năng lượng. So với tỷ lệ 85% rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, kể cả nếu như đã giảm xuống dưới 50% như chỉ tiêu đưa ra trong năm 2018, vẫn cho thấy Đồng Nai và các đô thị trong nước đang “nghèo mà xài sang”, chưa chú trọng đến các giải pháp, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm giảm lượng rác thải phải giải quyết.

Như vậy, “bài toán” giải quyết vấn đề rác thải đô thị dù bằng giải pháp nào cũng dẫn về yêu cầu phân loại chất thải tại nguồn.

Nhiều nước trên thế giới từ hàng chục năm nay đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn một cách nghiêm túc, người vi phạm bị phạt rất nặng. Thậm chí, ở Nhật Bản yêu cầu người dân phân loại rác thành 5 loại khác nhau: rác có thể đốt cháy đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương; giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh đựng ở túi màu trắng; rác độc hại như pin phải để vào túi riêng bên ngoài có dán chữ “rác độc hại”…

Rút kinh nghiệm từ thực tế thời gian qua, chính quyền địa phương, tổ dân phố cần “đeo bám” thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân việc phân loại rác tại nguồn; Nhà nước cần xây dựng chính sách chế tài, xử lý người vi phạm, đồng thời tổ chức quản lý hạ tầng thu gom, xử lý rác thải đồng bộ, khoa học. Đã đến lúc cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc phân loại rác tại nguồn, dù khó khăn đến mấy cũng phải kiên trì thực hiện bởi không chỉ là giảm chi phí xử lý rác thải mà còn góp phần xây dựng đô thị văn minh, môi trường đáng sống.

Hà Lam

 

 

Tin xem nhiều