Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác không thừa

11:04, 04/04/2018

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2018 vào chiều 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1 ngàn vụ cháy, nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, đồng thời thiệt hại về tài sản của người dân và doanh nghiệp là rất lớn.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2018 vào chiều 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1 ngàn vụ cháy, nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, đồng thời thiệt hại về tài sản của người dân và doanh nghiệp là rất lớn.

Tại Đồng Nai, theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, trong năm 2017 xảy ra 24 vụ cháy, làm chết 1 người, thiệt hại về tài sản hơn 5,6 tỷ đồng và 320 xe máy các loại. Riêng quý I-2018, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng (tăng hơn 56 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017). Đặc biệt là những vụ cháy lớn ở Công ty TNHH dệt Hoành Thân (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) và Công ty TNHH Shingmark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng.

Các sự cố hỏa hoạn xảy ra có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu có thể nhắc đến chính là sự lơ là, thiếu cảnh giác trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy của người dân và các chủ doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Điều đó có thể bắt nguồn từ việc ngại tốn kém chi phí đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; ít tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy hay đơn giản là do chủ quan bởi cho rằng nhà mình, doanh nghiệp mình, đơn vị mình đã đảm bảo an toàn và sẽ không xảy ra sự cố cháy, nổ…

Thực tế kiểm tra của cơ quan chức năng đã cho thấy điều đó. Năm 2017, qua kiểm tra 13.553 lượt cơ sở trọng điểm, nguy hiểm về cháy, nổ như: chợ, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, các làng nghề và khu dân cư…, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản đối với 518 cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Càng quan ngại hơn nữa là qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã hướng dẫn người đứng đầu và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; yêu cầu cơ sở khắc phục ngay thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đã kiến nghị, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, nhưng điều đó vẫn chưa được nhiều đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Thậm chí, sau nhiều vụ cháy chung cư, đặc biệt là vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP.Hồ Chí Minh làm 13 người thiệt mạng, công tác phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cho thấy được thực hiện nghiêm túc và an toàn.

Kết quả kiểm tra một số chung cư ở TP.Biên Hòa ngày 3-4 của cơ quan chức năng cho thấy cơ sở chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ định kỳ; một số vị trí cửa buồng thang chống nhiễm khói không duy trì ở chế độ tự động đóng; đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn tại hành lang hư hỏng, mất tác dụng; hệ thống máy bơm tự động, bình chữa cháy hư hỏng, không phát huy tác dụng; chuông báo cháy tự động không hoạt động; nhiều cửa thoát hiểm, thoát nạn không mở được hoặc bị khóa chặt...

Hậu quả do sự cố cháy, nổ gây ra rất khó lường nên việc phòng cháy, chữa cháy rất quan trọng nhằm bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của con người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy càng khẳng định điều đó khi xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lấy phòng ngừa là chính.

Mong rằng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và mọi người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa cháy, nổ và xem đó là việc làm thường xuyên.

Phạm Mai

Tin xem nhiều