Báo Đồng Nai điện tử
En

Luẩn quẩn chặt - trồng

10:04, 15/04/2018

Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, không chỉ Đồng Nai mà cả nước rộn ràng… "giải cứu" chuối cho nông dân. Thời điểm đó, hàng ngàn hécta chuối ở Đồng Nai chín rộ nhưng thị trường Trung Quốc ngưng "ăn" hàng, nông dân phải bỏ chuối chín rục trong vườn, kêu than lỗ lã.

Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, không chỉ Đồng Nai mà cả nước rộn ràng… “giải cứu” chuối cho nông dân. Thời điểm đó, hàng ngàn hécta chuối ở Đồng Nai chín rộ nhưng thị trường Trung Quốc ngưng “ăn” hàng, nông dân phải bỏ chuối chín rục trong vườn, kêu than lỗ lã. Khởi đi từ một phong trào đoàn thể hô hào “mua chuối giúp nông dân”, cuộc “giải cứu” chuối tại Đồng Nai lúc ấy đã lan rộng khắp nhiều nơi với sự vào cuộc của các đoàn thể, ngành, doanh nghiệp, người dân… và trên thực tế cũng đã giúp tiêu thụ được một lượng chuối không nhỏ của nông dân.

Song, đây rõ ràng không phải là một cách làm có tính căn cơ. Người tiêu dùng không thể nay cứu chuối, mai cứu cà chua, mốt cứu củ cải, ngày kia cứu mít… Quan sát từ một góc độ khác, điều này tạo ra một bức tranh khá… buồn cười: nông dân chạy theo thị trường dễ dãi trước mắt nên chọn tư duy chặt - trồng,  trồng - chặt; Nhà nước và người tiêu dùng lại “chạy” theo để giải cứu nông sản cho nông dân. Hiện tại, sau 1 năm giải cứu chuối, thực tế tư duy làm nông nghiệp của nông dân cũng chẳng khá gì hơn vì năm nay giá chuối tăng cao, giá tiêu giảm mạnh nên nông dân lại tha hồ chặt tiêu trồng chuối, như đã từng chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng cao su, trồng tiêu, trồng thanh long ruột đỏ…

Nếu tìm hiểu, có thể thấy điều này hầu như không xảy ra ở các quốc gia có nền nông nghiệp mạnh. Nguyên nhân thì nhiều và mọi sự so sánh đều có phần khập khiễng, song điểm chung là nếu muốn nông nghiệp phát triển vững bền và người nông dân có lợi nhuận ổn định, dứt khoát phải thay đổi tư duy trồng - chặt hiện nay. Thực tế, trồng một vườn cây cũng xem như là thực hiện một dự án làm ăn, và chủ đầu tư (ở đây là nông dân) cần nắm được thông tin mặt hàng của mình (nông sản) năm nay ra sao, nhu cầu chung thế nào, sẽ xuất đi đâu, đối thủ cạnh tranh ra sao… sau đó mới quyết định đổ vốn vào dự án. Nếu thông tin đến kịp thời, có lẽ nhiều người năm nay đã không đổ tiền tỷ đầu tư trồng tiêu khi biết giá tiêu trên thị trường thế giới liên tục hạ, và tiêu Việt Nam đang vất vả cạnh tranh cùng tiêu từ các quốc gia khác trong bối cảnh cung vượt cầu.

Rất tiếc, quyết định đầu tư một dự án nông nghiệp của những nông dân nhỏ lẻ xưa nay lại dựa trên nền tảng thông tin ít ỏi, chỉ biết bám víu vào vài thương lái thân quen và vài thị trường dễ tính, đến lúc giá xuống thấp, nông sản thừa thãi thì lại chờ những động thái hỗ trợ - giải cứu từ chính quyền, đoàn thể hoặc người tiêu dùng. Nhưng thị trường không được “thiết kế” để nhằm “giải cứu” dăm ba loại nông sản, bởi để vận chuyển một nải chuối từ vườn cây đến bàn ăn vẫn cần cả một hệ thống kinh doanh tham gia, chứ không thể chỉ dựa vào sự cảm tính của người tiêu dùng, thế nên nói cho cùng không ai “cứu” ai lâu được cả. Hậu quả là đó đây đầy rẫy những vườn cây tuyệt vọng, mang theo bao công sức và vốn liếng của nông dân.

Thời điểm hiện tại và cả tương lai về sau, đầu tư làm nông nghiệp sẽ khó lòng được thực hiện theo tư duy truyền thống nữa. Sự cạnh tranh khốc liệt thời mở cửa khiến cho người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn và không thể ưu tiên nông sản trong nước nếu sản phẩm không đảm bảo 3 yếu tố: ngon - sạch - rẻ. Do vậy, tư duy trồng - chặt, chặt - trồng không có tính căn cơ sẽ khó mà tồn tại, bởi chạy theo tư duy này nông dân sẽ chẳng đủ thời gian để áp dụng các quy trình trồng trọt sạch, chẳng đủ thời gian để làm thương hiệu cho chính sản phẩm của mình, và như thế nghĩa là họ sẽ thua ngay trên chính thị trường trong nước.

VI LÂM

Tin xem nhiều