Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm kênh giám sát

11:04, 09/04/2018

Một trong những vấn đề làm "rối" trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của hệ thống chính trị hiện nay là tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo).

Một trong những vấn đề làm “rối” trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của hệ thống chính trị hiện nay là tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo). Đặc biệt là cứ gần đến các dịp đại hội Đảng, bầu cử, quy hoạch nhân sự… đơn thư nặc danh lại xuất hiện như “bươm bướm” khiến cơ quan chức năng đau đầu tìm cách xử lý.

Pháp luật nước ta đã có những quy định về tố cáo nặc danh, về mặt nguyên tắc là không công nhận. Theo Thanh tra Chính phủ, những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai; vì vậy nếu quy định giải quyết tố cáo nặc danh sẽ “thêm việc”, tần suất thanh tra, kiểm tra tăng lên gây khó khăn cho hệ thống chính trị, tốn kém ngân sách, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật. Luật cũng quy định tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Đó là chưa kể đến đơn thư tố cáo nặc danh thường bị sử dụng làm “vũ khí” để tấn công cán bộ, công chức, “gây rối” nội bộ cơ quan, đơn vị mà không phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, có một thực tế là từ xưa đến nay văn hóa Á đông vẫn chấp nhận đơn thư nặc danh. Ở Trung Quốc, từ đời Đường, Võ Tắc Thiên đã cho lập hòm thư để người dân tố cáo quan lại tham nhũng, mưu phản mà không cần ghi tên. Đơn thư nặc danh xuất hiện còn xuất phát từ tâm lý lo ngại bị trù dập, đe dọa, trả thù do cơ chế bảo vệ người tố cáo của pháp luật nước ta còn chưa chặt chẽ, kín kẽ khiến nhiều người không đủ dũng cảm để đương đầu với cái xấu, cái ác. Bên cạnh đó, có một thực trạng là các đơn thư tố cáo nặc danh thường có một phần đúng, nên vẫn có những quan điểm khác nhau về cách xử lý. Vì thế, việc quy định không giải quyết đơn thư nặc danh có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót, không xử lý những hành vi vi phạm bị tố giác, đồng thời loại trừ một kênh thông tin rất có giá trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Vấn đề là cần tỉnh táo và cân nhắc, đưa ra giải pháp xử lý phù hợp để vừa phát huy ưu điểm, vừa hạn chế được những điểm bất cập của đơn thư tố cáo nặc danh. Với những đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng, có bằng chứng cụ thể (tài liệu, vật chứng, hình ảnh, băng ghi hình, ghi âm…)  để thẩm tra xác minh thì có thể xem là một kênh tham khảo, từ đó xem xét tiến hành điều tra làm rõ. Điều này tùy thuộc vào “bản lĩnh” của cấp ủy và người đứng đầu đơn vị. Với thực trạng đấu tranh chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh như hiện nay, cũng nên có thêm một kênh thông tin để giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện vi phạm.       

Hà Lam

 

Tin xem nhiều