Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức mạnh của nêu gương

10:05, 07/05/2018

Trong từ điển tiếng Việt, nêu gương có nghĩa là làm điều hay, tốt đẹp để người khác noi theo. Như vậy, nêu gương chính là làm cho điều hay, lẽ phải ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Trong từ điển tiếng Việt, nêu gương có nghĩa là làm điều hay, tốt đẹp để người khác noi theo. Như vậy, nêu gương chính là làm cho điều hay, lẽ phải ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Trong lịch sử nước nhà, có rất nhiều tấm gương chiến đấu chống ngoại xâm, lao động khắc phục thiên nhiên được người dân tin phục, noi theo. Tấm gương của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng” đã hiệu triệu toàn thể nhân dân đồng lòng chống giặc Nguyên Mông. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, những tấm gương người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng và đặc biệt là Hồ Chí Minh… đã trở thành ngọn cờ cho toàn thể nhân dân noi theo, đánh đuổi thực dân phong kiến, xây dựng chính quyền cách mạng từ bàn tay trắng. Có thể nói, gương mẫu chính là những mệnh lệnh không lời nhưng tạo thành sức mạnh vô bờ, thực hiện cả những điều tưởng chừng như là không thể.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến vấn đề nêu gương trong đảng viên. Bác căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Cách đây 5 năm khi thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định nêu rõ 7 nội dung nêu gương: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. 

Vì sao phải nhấn mạnh đến tính nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt? Chính là vì người càng có vị trí cao thì sức mạnh của sự nêu gương càng lớn, sức lan tỏa càng mạnh mẽ và giá trị. Người dân nhìn vào Đảng, vào chế độ thông qua nhân cách của đảng viên, nhất là người đứng đầu. Muốn tạo niềm tin trong nhân dân thì người lãnh đạo phải gương mẫu, có đạo đức và năng lực, tận tâm với dân, hết lòng với nhiệm vụ. Ngược lại, nếu cán bộ đảng viên không gương mẫu, nói không đi đôi với làm sẽ làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Trong thực tế hiện nay, đây đó có những cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, có lối sống không gương mẫu, như: xây dựng “biệt phủ” hoành tráng trong lúc đời sống người dân xung quanh còn nhiều khó khăn, sở hữu những khối tài sản “khủng” không minh bạch, chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm “người nhà”, lợi ích nhóm… khiến có nơi, có lúc niềm tin vào Đảng của người dân bị giảm sút. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết rất cần thực hiện tính nêu gương của người lãnh đạo để củng cố, khôi phục và xây dựng lòng tin trong dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, đã đến lúc không thể chỉ trông chờ vào tính tự giác thực hiện nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, mà bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể, quy định vào tiêu chí đánh giá cán bộ. Dứt khoát chỉ bổ nhiệm những cán bộ gương mẫu, bởi người dân đang trông đợi mắt thấy, tai nghe về những tấm gương lãnh đạo liêm khiết, tài đức, tận tụy phục vụ đất nước.

Hà Lam

Tin xem nhiều