Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ chính mình

10:07, 01/07/2018

Đồng Nai hiện có lực lượng lao động lớn với hơn 1,2 triệu người. Mặc dù điều kiện làm việc đã được cải thiện nhưng nỗi lo về mất an toàn lao động vẫn khá lớn, nhất là với những lao động phổ thông làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, chế độ bảo hộ kém.

Đồng Nai hiện có lực lượng lao động lớn với hơn 1,2 triệu người. Mặc dù điều kiện làm việc đã được cải thiện nhưng nỗi lo về mất an toàn lao động vẫn khá lớn, nhất là với những lao động phổ thông làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, chế độ bảo hộ kém.

Thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội cho thấy, mỗi năm Đồng Nai có hàng ngàn vụ tai nạn lao động, con số thương vong so với cả nước là khá cao. Bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành tốt về điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề này và thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn lao động. Thậm chí, bản thân người lao động cũng chưa hiểu hết về việc làm thế nào để làm việc an toàn, nên còn chủ quan, xem thường những nguyên tắc cơ bản trong lao động.

Thực tế đã xảy ra những cái chết thương tâm chỉ vì lỗi bất cẩn của người lao động trong quá trình sản xuất như: trượt chân vì không đi giày bảo hộ, ngã từ giàn giáo xuống đất do thiếu thiết bị bảo hộ an toàn… Đằng sau những cái chết thương tâm đó là nỗi ám ảnh, day dứt của gia đình, đồng nghiệp người bị nạn. Ngay với những lao động bị tai nạn còn sống, di chứng để lại khá nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng tự vận động, nuôi sống bản thân. Đáng suy ngẫm, hầu hết trường hợp lao động bị tai nạn đều là lao động chính, trụ cột trong gia đình; việc họ bị tai nạn làm xáo trộn cuộc sống gia đình, mất đi chỗ dựa cho người thân.

Làm gì để đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tai nạn đáng tiếc cho người lao động là vấn đề luôn được tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm nhiều năm qua. Trong đó, vai trò của Công đoàn cơ sở rất quan trọng trong việc làm cầu nối tuyên truyền cho doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc khi tham gia lao động.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở một của doanh nghiệp cho hay, không phải chủ doanh nghiệp ít xem trọng vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động mà có những việc họ chưa hiểu rõ và nếu được tư vấn tốt, họ sẵn sàng thực hiện. Chẳng hạn, việc trang bị các điều kiện về an toàn lao động như: trang phục bảo hộ, chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động..., sau khi có tiếng nói của tổ chức Công đoàn, chủ doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, không phải lúc nào người lao động cũng tuân thủ chặt chẽ những quy định về bảo đảm an toàn, thậm chí có lao động chỉ “làm màu” khi cán bộ quản lý kiểm tra. Do vậy, cán bộ Công đoàn bên cạnh việc bàn bạc, thuyết phục chủ doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động còn phải gần gũi, sâu sát, nhắc nhở để người lao động chấp hành, thực hiện đúng quy định.

Tất nhiên, qua các đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy, nổ cho thấy có doanh nghiệp vẫn còn trốn tránh trách nhiệm của mình, chưa chủ động thực hiện công tác này mặc dù năm nào trong doanh nghiệp cũng xảy ra những vụ tai nạn lao động đau lòng.

Để thuyết phục doanh nghiệp không phải dễ, nhưng không có nghĩa là tổ chức Công đoàn hay các đơn vị chức năng thấy “khó quá bỏ qua” mà phải tìm giải pháp phù hợp để vận động, thuyết phục. Và vận động, thuyết phục bắt đầu từ chính người lao động để họ có ý thức bảo vệ sự an toàn của mình khi tham gia lao động.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều