Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển biến mạnh nhờ quyết liệt

09:08, 15/08/2018

Cơn sốt bất động sản ở Đồng Nai hiện đã hạ nhiệt. Điều này được lý giải theo nguyên tắc thị trường là có lên ắt có xuống, song theo sự thừa nhận của giới đầu cơ, nguyên nhân bất động sản "nguội" là do có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền cùng các đơn vị chức năng của tỉnh.

Cơn sốt bất động sản ở Đồng Nai hiện đã hạ nhiệt. Điều này được lý giải theo nguyên tắc thị trường là có lên ắt có xuống, song theo sự thừa nhận của giới đầu cơ, nguyên nhân bất động sản “nguội” là do có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền cùng các đơn vị chức năng của tỉnh.

Còn nhớ trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đi đâu, làm gì cũng nghe người dân bàn tán về giá nhà đất. Tình trạng giá nhà đất bị “thổi” lên cao kèm theo đó là việc phân lô, bán nền, xây dựng, chuyển nhượng đất trái phép xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là TP.Biên Hòa và một số huyện như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Thậm chí ở những huyện thuộc loại vùng sâu, vùng xa như Xuân Lộc, tình trạng này cũng xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Ở một số “điểm nóng” về tình trạng phân lô, bán nền, người dân đổ xô đi mua đất bất chấp tình trạng pháp lý của đất đai. Công tác quản lý trên lĩnh vực này có lúc, có nơi còn bị buông lỏng gây bức xúc trong nhân dân...

Tại các cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đầu năm 2018, vấn đề quản lý đất đai, nhất là tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ và tìm giải pháp thực hiện. “Tối hậu thư” được Thường trực Tỉnh ủy đưa ra là cấp ủy các địa phương phải vào cuộc, tích cực chỉ đạo, lãnh đạo công tác này nhằm ngăn chặn ngay tình trạng phân lô bán nền, xây dựng, chuyển nhượng trái phép. Địa phương nào còn để ra sai phạm, địa phương đó sẽ phải chịu trách nhiệm với Đảng bộ tỉnh. Và không có chuyện sai phạm xảy ra ở địa phương mình mà lãnh đạo nói “không biết, không nghe, không thấy” hoặc “lờ” đi cho sai phạm lộng hành.

Chính từ sự vào cuộc quyết liệt này, chuyển biến trong vấn đề quản lý đất đai đã thấy rõ. Đồng loạt các địa phương tiến hành rà soát các dự án, nhất là các dự án phân lô, bán nền, chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trong khu dân cư. Bên cạnh việc vận động, thuyết phục chủ đầu tư, người dân tự tháo dỡ hạ tầng, nhiều địa phương đã kiên quyết xử lý bằng biện pháp mạnh như: cưỡng chế nhổ bỏ trụ điện, cày đường nhựa... để trả lại hiện trạng đất ban đầu. Tất nhiên, công việc này gặp khá nhiều khó khăn và theo thừa nhận của lãnh đạo một số địa phương, có cả những áp lực, thách thức thậm chí đe dọa nhưng tất cả đều khẳng định đó là việc phải làm và nên làm kịp thời để lập lại trật tự trên lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển ổn định của địa phương.

Trong quá trình xử lý sai phạm trên lĩnh vực đất đai, đã có những trường hợp là cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Đây là điều không cấp ủy nào mong muốn nhưng kiên quyết không bao che để lập lại kỷ cương, có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn.

Rất hy vọng chuyển biến này không phải chỉ là kết quả của một “chiến dịch” mà là công tác xuyên suốt, lâu dài trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở đối với lĩnh vực quản lý đất đai. Tránh tình trạng lúc nào “nóng” thì cả hệ thống chính trị vào cuộc, khi đã “nguội” lại buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến sai phạm tràn lan. Chỉ khi có sự kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả mới đảm bảo hạn chế được đến mức thấp nhất những vi phạm về quản lý đất đai như đã xảy ra thời gian qua.

Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều