Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tránh gây lãng phí

09:08, 22/08/2018

Tổng cộng có 113 trạm biến áp trung thế được đầu tư xây dựng khắp các địa phương trong tỉnh từ 1-4 năm nay nhưng chưa được đưa vào sử dụng do các địa phương chưa thể đầu tư xây dựng đường dây hạ thế vì nhiều lý do khác nhau.

Tổng cộng có 113 trạm biến áp trung thế được đầu tư xây dựng khắp các địa phương trong tỉnh từ 1-4 năm nay nhưng chưa được đưa vào sử dụng do các địa phương chưa thể đầu tư xây dựng đường dây hạ thế vì nhiều lý do khác nhau. Các trạm biến áp được xây dựng ở các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, là một phần trong kế hoạch đầu tư hạ tầng về điện, nước, đường giao thông... cho các khu quy hoạch này nhằm thu hút và đón đầu các dự án chăn nuôi. Một số khác nằm rải rác ở các khu dân cư.

Trạm biến áp được hiểu một cách đơn giản là hệ thống cung cấp điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Khi các trạm biến áp được xây dựng xong, các địa phương sẽ vận động người dân, doanh nghiệp đóng tiền xây dựng đường dây hạ thế để có thể đưa điện vào sử dụng. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng thực hiện suôn sẻ.

Với chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng cho 1 trạm biến áp trung thế thì 113 trạm biến áp trị giá hàng chục tỷ đồng đang tạm “trùm mền” do chưa thể đưa vào khai thác có hiệu quả. Được biết, toàn bộ số trạm biến áp trung thế này do Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh.

Trách nhiệm xây dựng các đường dây hạ thế theo quy định là của các địa phương. Theo đó địa phương sẽ tiến hành vận động người dân và doanh nghiệp nộp tiền để xây dựng các đường dây hạ thế để đưa điện vào sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, đến lúc này số lượng doanh nghiệp và trang trại di dời về các khu quy hoạch chăn nuôi chưa được như dự kiến nên chưa thể hạ thế các trạm biến áp tại các khu nói trên. Một số trạm biến áp đầu tư ở các khu dân cư, song số dân còn thưa dẫn đến mỗi suất đầu tư hạ thế tính trên đơn vị một hộ dân khá cao, địa phương nhiều lần vận động nhưng vẫn chưa thể thực hiện.

Thực tế, việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp nhằm hoàn thành hạ tầng cho các khu sản xuất, khu chăn nuôi tập trung ở thời điểm cách đây 3-4 năm là khá cần thiết, bởi ở thời điểm đó nhiều doanh nghiệp lẫn nông dân đều “kêu” Nhà nước cần đầu tư hạ tầng thì mới di dời vào khu tập trung. Chẳng hạn, huyện Thống Nhất đã đầu tư đến 23 trạm biến áp chủ yếu phục vụ cho các khu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp di dời vào, do đó hầu hết các trạm biến áp vẫn “treo”. Việc di dời vào các khu chăn nuôi tập trung còn phụ thuộc nhiều yếu tố, do đó đến khi nào mới có thể hạ thế toàn bộ thì... chưa có câu trả lời. Các địa phương khác như: Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Khánh... cũng rơi vào tình huống tương tự.

Giải pháp hiện tại mà các địa phương đưa ra cũng chỉ là tiếp tục vận động người dân đóng tiền xây dựng đường dây hạ thế, song thực tế có đạt được hay không vẫn chưa thể nói trước vì còn phụ thuộc vào thu nhập và khả năng của người dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng bao gồm cả ngành điện lực lẫn chính quyền các địa phương cần có giải pháp sớm để đưa các trạm biến áp vào sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí hàng chục tỷ đồng đã đầu tư.

Vi Lâm

Tin xem nhiều