Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thời chặn "bong bóng" đất đai

10:08, 26/08/2018

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục có công văn nhắc nhở hệ thống ngân hàng thương mại cẩn trọng khi "bơm" vốn vào thị trường bất động sản, đồng thời tăng cường công tác giám sát, rà soát các khoản vay thuộc lĩnh vực này.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục có công văn nhắc nhở hệ thống ngân hàng thương mại cẩn trọng khi “bơm” vốn vào thị trường bất động sản, đồng thời tăng cường công tác giám sát, rà soát các khoản vay thuộc lĩnh vực này.

Tại Đồng Nai, hiện tại các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng đã có nhiều động thái siết chặt hơn các khoản vay đầu tư vào thị trường bất động sản theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là các ưu đãi, hỗ trợ giảm hẳn đồng thời lãi suất vay tăng lên, chưa kể các điều kiện để tiếp cận vốn cũng khó khăn hơn. Đây là động thái rất cần thiết để góp phần làm dịu những cơn sốt đất đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai. Từ năm 2016 đến nay, giá đất ở TP.Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom... đã tăng từ 100-200%, thậm chí tăng đến 300% nếu nằm trong vùng quy hoạch các dự án hạ tầng lớn. Trong giai đoạn này, đất đai được mua đi bán lại nhiều đến nỗi có giai đoạn UBND tỉnh phải ra quy định tạm ngưng tách thửa đất một thời gian để hạn chế bớt tình trạng này, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp hơn.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tình hình sốt đất diễn ra trong các năm 2017 và 2018 có thể sẽ làm vỡ “bong bóng” bất động sản vào năm 2019 theo chu kỳ 10 năm, và bằng mọi cách cần phải ngăn chặn sự đổ vỡ này. Còn nhớ ở giai đoạn 2008-2009, khi “bong bóng” bất động sản vỡ, hàng loạt công ty và nhà đầu tư cá nhân đã phá sản, nhiều tập đoàn rơi vào khủng hoảng trầm trọng và một số ngân hàng “dính” quá sâu vào đầu cơ bất động sản đã phải trả giá rất đắt. Cho đến nay sau gần 10 năm, ban lãnh đạo của các ngân hàng nói trên vẫn đang... hầu tòa với những vụ thất thoát rất lớn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải mất rất nhiều công sức để tái cấu trúc, sáp nhập những ngân hàng thua lỗ do đổ vốn đầu cơ vào bất động sản.

Thực tế, bên cạnh các kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm, thì đầu tư bất động sản luôn là một kênh đầu tư được nhiều người chọn lựa đầu tiên khi có tiền nhàn rỗi. Và có lẽ kênh đầu tư này sẽ được đánh giá là an toàn nếu các khoản tiền đầu tư vào đó thực sự là tiền nhàn rỗi. Mọi chuyện chỉ nghiêm trọng khi đi theo cơn sốt đất, nhiều người cầm cố tài sản, nhà cửa vay tiền ngân hàng để mua đất đầu cơ “lướt sóng”, nhanh chóng “ôm” các mảnh đất ở những vùng đang “sốt” rồi chờ giá lên sẽ bán sang tay trong một thời gian ngắn. Nếu bán kịp, người đầu tư có lãi, nếu không bán được mà đất vẫn “ôm” trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, đến lúc nào đó nhà đầu tư không thể gánh nổi gánh nặng chi phí dẫn đến buộc phải phá sản hoặc bán đổ bán tháo. Hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp chọn cách này để kiếm lãi nhanh thì khi đổ vỡ sẽ tạo thành một “hiệu ứng domino” không gì ngăn cản nổi, trực tiếp gây ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nếu tín dụng đổ vào nhà đất quá lớn vì ngân hàng cũng “ham” lãi suất cao.

Bài học xương máu năm 2008-2009 bị lo ngại sẽ tái diễn vào năm tới khi “bong bóng” bất động sản vỡ, do đó cơ quan chức năng sử dụng mọi biện pháp để siết dòng vốn đổ vào đầu cơ bất động sản là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ngân hàng chỉ nên rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng và siết chặt các khoản vay có dấu hiệu đầu cơ đất, còn các khoản vay mua nhà, mua đất hợp lý và có khả năng chi trả thì vẫn nên được khuyến khích bởi tạo điều kiện cho những người thực sự có nhu cầu chỗ ở và cũng là kênh tạo lợi nhuận hiệu quả cho các ngân hàng.

Hy vọng với những thông tư, quy định kịp thời về kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản, sự lo lắng về việc vỡ “bong bóng” bất động sản trên diện rộng vào năm tới sẽ bị chặn đứng, không để lại những hậu quả đáng tiếc cho nền kinh tế.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều