Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng phồn vinh dân tộc

10:11, 25/11/2018

Tiếp xúc với cử tri TP.Hải Phòng sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 23-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định về khát vọng đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng gấp hơn 17 lần trong 30 năm tới, tức đạt 2.500 tỷ USD với thu nhập bình quân 18 ngàn USD/ người vào năm 2045.

Tiếp xúc với cử tri TP.Hải Phòng sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 23-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định về khát vọng đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng gấp hơn 17 lần trong 30 năm tới, tức đạt 2.500 tỷ USD với thu nhập bình quân 18 ngàn USD/ người vào năm 2045. Đây là khát vọng lớn về sự phồn vinh của đất nước và là ước vọng lớn lao của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Kể từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng cao. Nếu như năm 1985, GDP của Việt Nam là 14 tỷ USD với thu nhập bình quân đầu người 230 USD, thì đến năm 2018, dự kiến thu nhập bình quân đầu người sẽ là 2.540 USD. Như vậy, 33 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng 17,4 lần.

Cùng với tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước cũng ngày càng được thu hẹp. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.306 USD, đứng thứ 132 trên tổng số 186 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6,7% trở lên và với điều kiện không có những biến động lớn về chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới thì khát vọng GDP đạt mức 2.500 tỷ USD sẽ trở thành hiện thực.

Tất nhiên, con đường để biến khát vọng này thành hiện thực không bao giờ là con đường bằng phẳng, thậm chí đầy chông gai, bởi rất nhiều yếu tố tác động cả chủ quan và khách quan. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông được dự báo vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cao, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, những tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam được dự báo là sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, những dư địa giúp kinh tế tăng trưởng ngày càng hạn hẹp, tình trạng già hóa dân số…

Thế nhưng, không phải bởi những khó khăn ấy mà chúng ta không có niềm tin và ý chí, bởi nếu không nuôi dưỡng niềm tin, ý chí và khát vọng lớn lao này, dân tộc sẽ tụt hậu xa hơn. Tất nhiên, điều mà tất cả mọi người đều mong muốn là tất cả mọi công dân Việt Nam phải được hưởng những thành quả từ sự phát triển của đất nước. Trong quá trình phát triển ấy, Nhà nước phải thực thi các chính sách để phân chia các nguồn lực thành quả xã hội một cách công bằng, bình đẳng giữa các nhóm dân cư, các vùng miền.

Thủ tướng đã khẳng định, những tính toán để đạt ước vọng này là rất cụ thể, có con số, cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là tổ chức thực hiện. Và để biến khát vọng, ước mơ lớn này trở thành hiện thực cần niềm tin, ý chí mạnh mẽ của cả dân tộc. “Không chỉ phải có khát vọng mà ta phải có ước mơ lớn, không chỉ người lãnh đạo mà cả nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.  

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều