Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩ về "Hào khí Đồng Nai"

10:12, 26/12/2018

So với lịch sử Việt Nam có bề dày 4 ngàn năm văn hiến thì vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tính từ năm 1698 - năm Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác định cương thổ quốc gia, vùng đất này có tuổi vừa đúng 320 năm, nên có thể gọi là vùng đất trẻ.

So với lịch sử Việt Nam có bề dày 4 ngàn năm văn hiến thì vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tính từ năm 1698 - năm Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác định cương thổ quốc gia, vùng đất này có tuổi vừa đúng 320 năm, nên có thể gọi là vùng đất trẻ.

Khi xưa, tổ tiên của chúng ta ở miền Ngũ Quảng và xa hơn là Thanh Nghệ Tĩnh, kể cả kinh đô Thăng Long, khi nhắc đến xứ Đồng Nai là nhắc đến vùng đất mới của cả Nam bộ, chứ không phải khu biệt trong địa giới hành chính hiện nay. Nhưng đất Biên Hòa - Đồng Nai hiện nay vốn như một “chiếc cầu” - nơi trung chuyển của lưu dân người Việt từ đây đi về Bến Nghé - Gia Định rồi xuống miệt sông Tiền, sông Hậu đến tận Đất Mũi Cà Mau. Chính Biên Hòa, tạm hiểu là vùng biên viễn thuận hòa được cái vinh dự là nơi cụ Nguyễn Hữu Cảnh dừng chân xuống ngựa, cắm nhát gươm đầu tiên xuống đất Bàn Lân cho gọi Trần Thượng Xuyên cùng các di thần và hương chức địa phương đến để nghe sắc chỉ của chúa Nguyễn Phúc Chu: “… Lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên…”.

Niềm vinh dự đặc biệt có một không hai này của đất và người Biên Hòa - Đồng Nai như một cơ duyên của lịch sử. Cơ duyên này đã để lại cho các thế hệ đời sau trọn vẹn một chí khí mạnh mẽ, hào hùng của người Biên Hòa - Đồng Nai được biểu đạt bằng bốn chữ “Hào khí Đồng Nai”, khi địa phương được mang tên một dòng sông nội sinh dài nhất Việt Nam. “Hào khí Đồng Nai” là chỉ chí khí gan góc của tổ tiên chúng ta thời đi mở cõi và đó cũng là sự tiếp biến, phát triển từ “Hào khí Đông A” thời nhà Trần chống giặc Nguyên Mông và sâu xa hơn là “Hào khí Việt Nam” có từ thời Quốc phụ Lạc Long Quân cùng Quốc mẫu Âu Cơ đưa con lên rừng, xuống biển để bảo vệ Tổ quốc.

Chí khí hào hùng của vùng đất trẻ vẫn luôn trẻ trung sung mãn và năng động sáng tạo suốt từ thời mở cõi thế kỷ 17 đến thời mở cửa hội nhập thế kỷ 21 này. Lại thêm nữa, cùng với tính cách chung của người Việt Nam ở phương Nam - Nam bộ, người Biên Hòa - Đồng Nai còn có “lá gan lớn”, như nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục viết năm 1776, đã nhận xét về con người của xứ Đồng Nai như vậy. “Lá gan lớn” ở đây được hiểu là lòng can đảm, một phẩm chất của tinh thần dám đối mặt với thử thách, hiểm nguy để mưu đại sự. Những người có “lá gan lớn” - lòng can đảm, kiên cường là người có những phẩm chất tự tin, nhiệt tình, kiên định, lòng khát khao chiến thắng. Người Biên Hòa - Đồng Nai trong suốt 320 năm qua luôn có phẩm chất như vậy và phẩm chất này được trao truyền, phát huy từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Nếu không có lòng can đảm, thì tổ tiên chúng ta đâu thể nào dứt áo, bỏ quê hương bản quán để đến vùng đất “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha”, “cọp Biên Hòa, ma rừng Sác”… để dừng ghe, cắm sào xuống bãi phù sa rồi bước lên bờ chặt những nhát rựa, cuốc những nhát cuốc mở đất đầu tiên để dựng nhà, lập ấp, mở cõi phương Nam. Chỉ những người có “lá gan lớn” theo nghĩa “có phước làm quan, có gan làm giàu” mới xây dựng đệ nhất thương cảng ở Đàng Trong để giao thương với nước ngoài, mà sau này chúng ta gọi là mở cửa hội nhập. Ngày nay, chiêm nghiệm lại lịch sử chúng ta thấy rằng, cùng với quá trình mở cõi hoặc sau đó ít lâu, người Biên Hòa - Đồng Nai đã mở cửa phương Nam đầu tiên và xây dựng nền móng công thương ban đầu cho xứ này. Có một câu chuyện của vùng đất trẻ thời xưa, xin được dẫn ra từ ghi nhận của cụ Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí: “…Phố xá màu ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng theo bờ sông liền lạc tới năm dặm, chia vạch ra ba đường, phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lát đá ong, đường phố nhỏ lát đá xanh, đường rộng bằng phẳng… Ấy là một số chỗ đại đô hội, nhà buôn bán to lớn, duy ở đây là nhiều hơn cả”; “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này (Cù lao Phố) bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua giùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh...”.

Cái “chốn đô hội” và “mua bao tất cả”, “cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng”… cho thấy thời ấy ở xứ Biên Hòa, đã manh nha thuật ngữ mà bây giờ chúng ta thường dùng là đô thị hóa và sản xuất hàng hóa. Chứng tỏ, người xứ Đồng Nai phải có “lá gan lớn” mới làm nên sự manh nha ấy sớm đến như vậy.

Cũng phải có “lá gan lớn” với ước mơ làm giàu nên ngay từ năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, người Biên Hòa - Đồng Nai đã xây Khu kỹ nghệ Biên Hòa, dựng nhà xưởng, nhập máy móc thiết bị hiện đại, tính chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa mưu sự làm giàu… trở thành khu công nghiệp đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam thời bấy giờ.

Cũng trong mạch nguồn về kinh tế, từ thực tiễn Khu kỹ nghệ Biên Hòa, xin nói về sự can đảm của những người cộng sản xứ Đồng Nai, trong lúc toàn tỉnh còn phải ăn độn thì Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (năm 1986), Đảng bộ đã quyết nghị chuyển cơ cấu kinh tế mà nông nghiệp được đặt lên hàng đầu vốn tồn tại suốt mấy trăm năm, xuống vị trí thứ hai và sau đó 10 năm chuyển hẳn sang cơ cấu kinh tế “công nghiệp - thương mại - nông nghiệp” cho đến ngày nay. Hơn thế nữa, ngay sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài một năm, Đồng Nai đã “xé rào” xây dựng Khu công nghiệp Biên Hòa 2 - khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sau đổi mới bằng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đột phá mở ra tiền đề để quy hoạch xây dựng 35 khu công nghiệp đến nay thu hút 28,3 tỷ USD của các dự án còn hiệu lực, góp phần xuất khẩu năm 2018 đạt 18,6 tỷ USD, trong đó dẫn đầu cả nước về xuất siêu với con số ấn tượng 2,6 tỷ USD.

Những con số mang phẩm chất “Hào khí Đồng Nai” do lòng yêu nước dạt dào của bao thế hệ cộng lại, làm cho những “lá gan lớn” - lòng can đảm của người Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng lớn. Lòng can đảm ấy, phải ngày càng lớn lên bằng tri thức của thời đại để xứ này nhập cuộc và chiếm lĩnh những đỉnh cao của nhân loại: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động tiếp tục hội nhập một cách sâu rộng vào đời sống kinh tế của cộng đồng thế giới bằng “lá gan lớn”, một thành tố của “Hào khí Đồng Nai”.

Xin kính chào vùng đất trẻ của những con người trẻ mang trong người “lá gan lớn”, trái tim nồng nàn tình yêu nước và cái đầu thông tuệ đầy ắp phẩm chất của “Hào khí Đồng Nai” đang xây dựng dáng đứng Đồng Nai, dáng đứng Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần làm cho Tổ quốc của Hồ Chí Minh “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

  Mai Sông Bé

Tin xem nhiều